Chuyện tình Hoàng Văn Thụ - Hoàng Ngân. Kỳ 1: Mối tình trẻ mãi với thời gian

Câu chuyện tình yêu giữa anh Hoàng Văn Thụ chị Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân) được bắt đầu nảy nở từ những ngày hoạt động sôi nổi bên nhau. 

Nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ.

Nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ sinh năm 1909, chị Phạm Thị Vân sinh năm 1921. Người chiến sĩ cách mạng dày dạn Hoàng Văn Thụ tuy đã ba mươi tuổi nhưng cuộc đời anh dấn thân cho cách mạng từ sớm nên chưa một lần cùng ai hẹn ước yêu đương. Sự thông minh quyết đoán cùng đức tính trung thực gan dạ của anh càng làm chị Vân từ cảm phục, kính trọng đến cảm tình và yêu mến. Hoàng Văn Thụ cũng cảm thấy không thể thiếu hình ảnh cô Vân trong trái tim mình. Anh thực sự rung động và tự hào trước người con gái đất Cảng trẻ tuổi nhưng thông minh xinh đẹp, lại có ý chí và một nghị lực lớn lao khi dám bỏ hết nhung lụa để đi theo cách mạng. 

Chị Hoàng Ngân.

Hoa đến thì, hoa nở. Và Hoàng Văn Thụ đã hơn một lần ướm thử, anh ngỏ lời muốn đính hôn cùng Vân thì cô gái như bao cô gái miền Bắc nào tránh khỏi ngượng ngùng e thẹn khi nói rằng: "Việc ấy quan trọng để em về hỏi thầy me rồi trả lời anh sau". Nói vậy nhưng trong thâm tâm mình, cô như đã là của anh và rất sợ mất anh…

Vậy là đã đến lúc họ cần hợp thức hoá tình cảm. Anh Thụ liên lạc về bản Phạc Lạn, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đưa bố đẻ là ông giáo làng Hoàng Khải Lan xuống Hải Phòng đặt vấn đề chính thức cho đôi bạn kết nghĩa trăm năm… ông Phạm Trung Long thấy người thông gia nho nhã, tử tế thì ưng thuận nhưng dặn hai người con phải báo cáo với tổ chức để được công nhận tình cảm chính danh. Ông Long dặn hai con khi nào cách mạng thành công sẽ về cùng sum họp… 

Đ/c Hoàng Ngân (hàng đầu, bên trái) và một số đ/c trong Chi bộ Hải Phòng, thời kỳ 1936- 1939.

Lễ đính hôn ấy anh Thụ và chị Vân cũng chỉ về qua nhà cho có mặt. Anh mặc bộ đồ tây, còn chị Vân trong bộ quần áo dài màu nâu duyên dáng như bao cô gái tân thời đất Cảng hồi ấy. Rồi mỗi người lại phải đi một ngả vì công việc cách mạng đương cần họ. Lễ ăn hỏi hay đính hôn giữa hai người chiến sĩ cách mạng có sự chứng kiến của hai gia đình kết thúc, ông Phạm Trung Long cho người ra ga lấy vé tàu hỏa cho ông Lan ngược Lạng Sơn…

(còn tiếp).

Theo Tân Linh  (Nguyễn Khánh Hồng lược trích) - hoalo.vn

Đăng bình luận

Mới hơn Cũ hơn