1. Tóm lược về tiểu sử đồng chí Hoàng Văn Thụ
Đồng chí Hoàng Văn Thụ, dân tộc Tày, sinh ngày 04/11/1909 tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, nay là thôn Phạc Lạn, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Đồng chí sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học. Cha là Hoàng Khải Lan, mẹ là Hà Thị Mùi, là những người nông dân cần cù, chất phác. Đồng chí là con trai cả của gia đình, có hai chị gái và một em trai. Thời thơ ấu, đồng chí được gia đình cho học chữ Nho tại trường làng. Bước sang tuổi thiếu niên, đồng chí được cha mẹ cho ra thị xã Lạng Sơn học tại Trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn.
2. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ
Tháng giêng năm 1928, đồng chí Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) sang Trung Quốc, bắt liên lạc với ông Bùi Ngọc Thành, đại diện của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên hoạt động ở khu vực Long Châu – Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc).
Năm 1928, Quốc dân Đảng Trung Quốc tiến hành khủng bố những người cách mạng Trung Quốc và Việt Nam đang hoạt động ở Quảng Đông và Quảng Tây. Để đảm bảo bí mật cho việc học tập và gây dựng cơ sở quần chúng, thời gian này đồng chí Hoàng Văn Thụ lấy bí danh là Lôi Minh Hạ, đóng vai người thợ của “Xưởng cơ khí Nam Hưng”, vừa làm công việc của một người thợ cơ khí thực thụ, vừa thâm nhập tuyên truyền gây dựng các cơ sở quần chúng bí mật giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1928, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Đầu năm 1929, ngoài thời gian làm việc và hoạt động tại “Xưởng cơ khí Nam Hưng”, với tay nghề của một thợ cơ khí giỏi, đồng chí Hoàng Văn Thụ còn được giới thiệu vào làm việc ở “Tu giới sở”, là một cơ sở của công binh xưởng của Quốc dân Đảng ở Long Châu và thường xuyên được cử đi sửa súng, pháo ở các đồn lính thuộc khu vực biên giới. Thông qua hoạt động thực tiễn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gây dựng được một số cơ sở hoạt động bí mật ở Long Châu, trong đó có cơ sở liên lạc thường xuyên tại nhà ông Nông Nhân Bảo ở phố Bát Bảo, thị trấn Long Châu (Trung Quốc), tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động ở khu vực Long Châu – Nam Ninh (Quảng Tây – Trung Quốc).
Giữa năm 1929, trong vai một người thợ cắt tóc, đồng chí Hoàng Văn Thụ ra Nam Ninh bắt liên lạc để tìm hiểu và nắm bắt phong trào cách mạng ở trong nước. Cuối năm 1929, sau một thời gian hoạt động, trải nghiệm thử thách, các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong và Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng (một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam).
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung Ương, chi bộ Đảng chỉ đạo phong trào vùng núi biên giới Việt – Trung được thành lập gồm các đồng chí Hoàng Đình Gong, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Hoàng Hồng Việt…do đồng chí Hoàng Đình Giong làm bí thư. Đồng chí Hường Văn Thụ được phân công phụ trách cùng đồng chí Lương Văn Tri chỉ đạo xây dựng, phát triển phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn. Giữa năm 1930, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng được 03 tổ chức quần chúng trung kiên tại Lũng Nghịu, lan rộng tới các xóm Khưa Đa, Ma Mèo, Tà Lài thuộc xã Tân Yên, châu Văn Uyên1, Lạng Sơn. Tại hang “Áng Cúm” trên dãy núi Khưa Đa, Ma Mèo, đồng chí đã tổ chức in tài liệu tuyên truyền giác ngộ quần chúng yêu nước.
Sau cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931), thực dân Pháp ra sức đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam. Để đối phó với tình hình đó, Quốc tế Cộng sản đã cử đồng chí Lê Hồng Phong từ Xiêm tới Trung Quốc. Tại Long Châu, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Hoàng Đình Giong vinh dự được gặp đồng chí Lê Hồng Phong.Hai đồng chí đã được bồi dưỡng lý luận cách mạng. Thay mặt ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Văn Thụ tiếp tục chỉ đạo phát triền mở rộng phong trào quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn.
Từ cuối năm 1932 đến đầu năm 1933, bằng sự hoạt động tích cực của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp chỉ đạo các tổ chức quần chúng trung kiên ở Khưa Lếc (Trung Quốc) và Khưa Đa, Ma Mèo, Tài Lài, xã Tân Yên (Văn Uyên, Lạng Sơn) tổ chức rải truyền đơn trong các dịp kỷ niệm cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Truyền đơn cách mạng được rải ở nhiều nơi trong tỉnh thực sự đẫ làm cho kẻ thù hoang mang lo sợ. Phong trào quần chúng cách mạng tiếp tục được phát triển tới các xã ở Văn Uyên, Thụy Hùng, Hồng Phong và Phú Xá.
Sau ba năm tích cực xây dựng phong trào, đến giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ tới xã Thụy Hùng (Văn Uyên), tổ chức kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn do đồng chí trực tiếp làm Bí thư. Đến cuối năm 1933, Chi bộ Đảng đã chỉ đạo phát triển các tổ chức quần chúng trung kiên tại xã.
Nhân Lý (quê hương đồng chí Hoàng Văn Thụ), phong trào cách mạng không ngừng phát triển rộng khắp ở Văn Uyên.
Đầu năm 1934, tại hang “Áng Cúm”, thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong tuyên bố thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công trực tiếp phụ trách Ban cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn.
Từ cuối năm 1934 đến đầu năm 1935, hoảng sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng ở Văn Uyên, thực dân Pháp tăng cường khủng bố khốc liệt những chiến sĩ cộng sản và quần chúng trung kiên, phần lớn cán bộ chủ chốt của Ban cán sự Đảng Lạng Sơn bị bắt, bị giam cầm tại các nhà tù của thực dân Pháp ở Sơn La, ở Hỏa Lò (Hà Nội). Phong trào cách mạng ở Văn Uyên tạm thời lắng xuống, song ảnh hưởng của phong trào vẫn luôn lay động tới tinh thần đấu tranh yêu nước của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn, tạo cơ hội quan trọng cho sự phát triển phong trào đấu tranh cách mạng ở Lạng Sơn những năm tiếp theo.
Đầu năm 1935, ảnh hưởng của phong trào cách mạng từ Văn Uyên đã lôi cuốn quần chúng tích cực ở Thất Khê 2, Bắc Sơn tìm đến với tổ chức cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ, và đưa nhiều quần chúng trung kiên từ Văn Uyên, Thất Khê sang dự các lớp huấn luyện cách mạng bí mật ở Lũng Nghịu – Long Châu do đồng chí trực tiếp tổ chức. Các lớp huấn luyện này đã góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cho việc gây dựng, củng cố phong trào quần chúng cách mạng của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng.
Tại địa bàn Văn Uyên, hệ thống các trạm liên lạc bí mật cúng được khôi phục, củng cố ở các xã Tân Yên, Thụy Hùng và Phú Xá. Các trạm liên lạc bí mật đã góp phần tích cực vào việc đưa, đón, bảo vệ một số đại biểu ở trong nước đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 27/3 đến ngày 31/3/1935 tại Ma Cao (Trung Quốc) được thuận lợi, an toàn.
Ngày 25/9/1936, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng (Bắc Sơn), kết nạp đảng viên, thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bắc Sơn. Bước vào giai đoạn 1936 – 1939, chi bộ Đảng ở Bắc Sơn và các tổ chức quần chúng trung kiên ở Thất Khê đã đóng vai trò quan trọng, tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống bắt phu, giảm sưu thuế…làm cho chính quyền thực dân, phong kiến nhiều phen khốn đốn. Những cuộc đấu tranh đó đã thức tỉnh, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia, phong trào lan tỏa ra nhiều nơi trong tỉnh.
Đầu năm 1937, sau khi trực tiếp chỉ đạo tổ chức xây dựng các cơ sở quần chúng cách mạng ở Bắc Sơn (Lạng Sơn), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới Thông Nông (Cao Bằng) để chỉ đạo vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp, đồng thời trực tiếp chỉ đạo ở một số lớp huấn luyện cán bộ ngắn ngày để làm nòng cốt cho phong trào cách mạng ở Cao Bằng. Song song với việc tăng cường chỉ đạo phong trào cách mạng ở Thông Nông (Cao Bằng), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thường xuyên liên lạc chỉ đạo phong trào cách mạng ở Tràng Định (Lạng Sơn).
Trước yêu cầu mới của phong trào ngày càng mở rộng ở Tràng Định, ngày 11/4/1938, đồng chí đã tới xã Phi Mỹ, Tràng Định (xã Tri Phương, huyện Tràng Định ngày nay), kết nạp đảng viên, tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Tràng Định.
Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản ở Bắc Sơn và Tràng Định đánh dấu bước trưởng thành vững chắc của phong trào cách mạng Lạng Sơn trong nhiều năm do đồng chí Hoàng Văn Thụ dày công xây dựng và phát triển.
Từ giữa năm 1938, trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công tăng cường chỉ đạo củng cố phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên và Hải Dương. Đầu tháng 8/1938, sau gần hai tháng củng cố phong trào đấu tranh của công nhân mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), đồng chí Hoàng Văn Thụ về Thanh Hà (Hải Dương), củng cố nhóm “Thanh niên dân chủ” tổ chức quần chúng cách mạng trung kiên ở Thanh Hà, củng cố lại phong trào ở đây sau thời gian bị thực dân Pháp khủng bố khốc liệt.
Cuối tháng 8/1938, từ những nhóm quần chúng cách mạng trung kiên bắt đầu hình thành ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Yên), đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ đã về làng Vũ Di, huyện Vĩnh Tường tổ chức kết nạp các quần chúng trung kiên vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Vĩnh Yên.
Tháng 9/1939, thực hiện chủ trương của Xứ ủy về việc củng cố và tăng cường phong trào đấu tranh của công nhân mỏ Quảng Ninh, với bí danh là Vân, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới mỏ Hà Lầm. Trong vai người thợ đùn máng than, anh Vân đã lăn lộn với cuộc sống lao động cực nhọc của người công nhân, chắp nối, củng cố các cơ sở trung kiên, động viên, khích lệ, xây dựng và củng cố niềm tin dấu tranh của công nhân mỏ. Những ngày ở mỏ than Hà Lầm không lâu, song hình ảnh anh Vân, người cán bộ tận tụy vì phong trào đã để lại cho công nhân mỏ than Hà Lầm một tình cảm cách mạng sâu sắc.
Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (1939), thực dân Pháp ở Đông Dương ra sức khủng bố đối với phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Trước tình hình đó, ngày 08/9/1939, Xứ ủy Bắc Kỳ triệu tập Hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) để bàn chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới, Hội nghị nhận định: “Hoàn cảnh Đông Dương đã tiến bước đến vấn đề giải phóng” và chủ trương rút vào hoạt động bí mật. Tại Hội nghị này, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ sở Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật, với cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí đã đề nghị Xứ ủy lập tờ báo “Giải phóng” làm cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy và đảm nhận vai trò chủ bút, đồng chí thường xuyên viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng, của Xứ ủy Bắc Kỳ với bí danh là Lý.
Cùng với việc chỉ đạo phong trào cách mạng của nhiều tỉnh, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dành thời gian chỉ đạo củng cố Thành ủy Hà Nội sau nhiều lần tan vỡ do bị kẻ thù khủng bố, với sự chỉ đạo tích cực của đồng chí, đến cuối năm 1939, Thành ủy Hà Nội đã từng bước được phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Trung ương Đảng và của Xứ ủy Bắc Kỳ.
Đầu năm 1940, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ tiến hành họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông). Hội nghị chủ trương hoạt động bí mật để giữ vững cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng, đồng thời đẩy mạnh tập hợp lực lượng trong Mặt trận Dân tộc phản đế, chuẩn bị mọi điều kiện để có thể chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới khi tình thế chuyển biến. Hội nghị đã tiến hành bầu kiện toàn Ban lãnh đạo Xứ ủy, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.
Giữa năm 1940, hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, thực dân Pháp liên tục tăng cường lùng sục, vây ráp, truy bắt cán bộ cách mạng ở khắp nơi. Trước sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ đã phải di chuyển đến nhiều địa điểm bí mật khác nhau thuộc địa phận các xã: Vạn Phúc, Vĩnh Ninh (Hoài Đức, Hà Đông) và Văn Điển (Hà Nội), Thượng Cát (Hoài Đức), Dương Xá (huyện Phú Thụy), An Mỹ (Thuận Thành, Bắc Ninh), Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh)…Những ngày tháng gian khổ hoạt động gần gũi với các cơ sở quần chúng cách mạng trung kiên, hình ảnh anh Lý – người Bí thư Xứ ủy tận tâm với nhiệm vụ, luôn chăm lo tới đồng chí, cơ sở và phong trào đã để lại cho cán bộ, quần chúng những tình cảm trân trọng và quý mến như đối với người anh em ruột thịt trong gia đình.
Ngay khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ (27/9/1940), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã họp bàn với Ban Thường vụ Xứ ủy, đề ra chủ trương: Duy trì đội du kích Bắc Sơn để làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng sau này. Thống nhất với đề nghị của Xứ ủy Bắc Kỳ, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (11/1940) tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh)đã đề ra chủ trương quyết định phát triển hình thức đấu tranh vũ trang, thành lập căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo thành lập căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai. Tại Hội nghị này, đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử vào Ban Thường vụ Trung ương lâm thời.
Cuối tháng 12/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Ban Thường vụ Trương ương Đảng giao nhiệm vụ quan trọng đi Tĩnh Tây (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để bàn việc tổ chức thống nhất lực lượng cách mạng trong và ngoài nước. Đồng thời, xin chỉ thị của Lãnh tụ về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Trung ƯƠng lần thứ 8. Đây là lần đầu tiên Đồng chí Hoàng Văn Thụ được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau khi nhận chỉ thị của Người, đồng chí đã liên lạc với Tỉnh ủy Cao Bằng, chuẩn bị địa điểm tổ chức Hội nghị.
Cuối tháng 02/1941, trên đường đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng), đồng chí Hoàng Văn Thụ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã làm việc với Ban chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn tại Khuổi Nọi, Vũ Lễ (Bắc Sơn) và thông báo chủ trương của Đảng về việc phát triển Đội du kích Bắc Sơn làm nòng cốt cho phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, cử đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm Chỉ huy trưởng.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng. Sau Hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Trương ương Đảng, đồng chí dự Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ họp tại làng Đông Lĩnh (Thanh Ba, Phú Thọ) và có nhiều ý kiến chỉ đạo về công tác củng cố, phát triển Đảng, về đẩy mạnh phong trào phát triển quần chúng cách mạng. Từ cuối năm 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tích cực chỉ đạo phát triển các cơ sở quần chúng cách mạng trong công nhân, công chức, binh sĩ, cảm hóa, lôi cuốn được nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau ủng hộ cách mạng, góp phần xây dựng nhiều cơ sở quần chúng ở những địa bàn quan trọng như: Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Vĩnh Yên làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa dành chính quyền năm 1945.
3. Đồng chí Hoàng Văn Thụ, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất
Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Biết đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng ta, phủ toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở Mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí phải khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của ta. Trước mọi cực hình tra tấn dã man và mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc của địch, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn vững vàng trong tư thế hiên ngang của người chiến sĩ cộng sản trung thành với Đảng, với đồng bào, đồng chí của mình.
Không khuất phục nổi người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn thụ, ngày 21/12/1943, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “Tòa án đại hình” để xử tội đối với đồng chí Hoàng Văn Thụ. Tại phiên tòa, chúng còn cho một số anh em tù chính trị của ta tới dự, hòng gây áp lực đánh vào tinh thần của các đồng chí của ta đang bị giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Với ý chí kiên cường và tâm hồn lạc quan của một người cộng sản, ngay trong những ngày trước khi lĩnh án tử hình của kẻ thù, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã làm những vần thơ đầy dũng khí cách mạng để nhắn nhủ lại các đồng chí, đồng bào của mình:
“Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành
Bạn hỡi xa gần hăng chiến đấu
Trước, sau xin giữ tấm lòng thành”.
Rạng sáng ngày 24/5/1944, kẻ thù đã sát hại đồng chí tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Trước mặt kẻ thù, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nói những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Khi tên cố dạo hỏi: “Anh có muốn rửa tội không?” đồng chí Hoàng Văn Thụ đã ôn tồn trả lời: “Xin cảm ơn. Chúng tôi, những người làm cách mạng cứu nước không có gì mà có tội. Chỉ bọ người đi cướp nước mới thực sự là có tội”.
Trong giờ phú vĩnh biệt đồng bào, đồng chí của mình, đồng chí đã nêu cao khí phách của người chiến sĩ cộng sản, hiên ngang trước quân thù, đồng chí hô vang:
- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
- Việt Nam độc lập muôn năm!
Đồng chí Hoàng Văn Thụ mãi mãi đi vào cõi trường sinh bất tử trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng và toàn dân ta. Tuổi thanh xuân và cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã trở thành bài ca cách mạng âm vang tinh thần bất khuất của các thế hệ cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
4- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với việc gây dựng phong trào cách mạng ở Việt Nam
Trong suốt chặng đường 15 năm hoạt động cách mạng, với sự nỗ lực, đầy trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo của Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển Đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên, củng cố được nhiều cơ sở Đảng ở Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh và Hải Dương…Sự phát triển vững chắc của các cơ sở Đảng ở các tỉnh đã đóng vai trò nòng cốt cho việc mở rộng phát triển phong trào cách mạng trên một địa bàn khá rộng lớn. Hoạt động rộng khắp của đồng chí trên nhiều địa bàn, ngoài nước, trong nước. miền núi, đồng bằng, thành phố, trong hầm mỏ, nhà máy…đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu rộng.
Với tư chất của một cán bộ lãnh đạo năng động, sáng tạo, trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và nhiệt thành của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những đóng góp quan trọng, có tính chất quyết định tới thắng lợi của đường lối lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có công lớn trong việc đề xuất, sáng lập báo “Giải phóng”, tham gia chỉ đạo hoạt động tuyên truyền của báo “Cờ giải phóng” và “Tạp chí Cộng sản”. Những bài viết, dịch của đồng chí về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin về phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đẫ góp phần phổ biến, giác ngộ tinh thần cách mạng vô sản cho đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng. Phương pháp, nguyên tắc hoạt động bí mật đầy hiệu quả do đồng chí xây dựng, đã giúp cho Đảng ta có được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trong quá trình vận động, tổ chức phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước.
Những hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng đã góp phần thức tỉnh và lôi cuốn được nhiều binh lính, sĩ quan yêu nước người Việt Nam trong quân đội Pháp ở thuộc địa, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến tới nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Bước đường hoạt động của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã để lại cho thế hệ cách mạng đời sau tấm gương sáng chói về một người cộng sản đầy ý chí, nghị lực, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thường xuyên tự trau dồi, rèn luyện để không ngừng trưởng thành. Từ một thanh niên học sinh yêu nước khi tham gia hoạt động cách mạng mới chỉ có ít vốn chữ Nho học ở trường làng và tiếng Pháp học ở trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn, khi trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, bằng việc tự học tập và rèn luyện, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có một trình độ lý luận cao, tầm hiểu biết rộng và sâu sắc về thực tiễn. Đồng chí vừa là một nhà chiến lược tài ba, vừa là một dịch giả tiếng Trung Quốc, vừa là người viết báo sắc bén. Những hoạt động sáng tạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên nhiều phương diện đã bộc lộ khả năng tiềm tàng của trí tuệ, của trình độ lý luận, kiến thức khoa học được rèn luyện nghiên cứu, học tập qua nhiều năm gian khổ phấn đấu.
5. Những bài học quý báu từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ
- Tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản và kiên định lập trường giai cấp công nhân
Ngay từ khi chưa giác ngộ lập trường giai cấp và chủ nghĩa Mác – Lênin, với lập trường của người yêu nước, hiểu rõ nỗi khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã sớm tham gia hưởng ứng cuộc vận động đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925) và để tang chí sĩ Phan Chu Trinh (1926) do tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phát động. Quá trình chuyển biến tư tưởng của đồng chí từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lênin trải qua những giai đoạn thâm nhập thực tiễn trong nước và ngoài nước. Khi được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng chí đã nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác lênin , quan điểm lập trường của giai cấp công nhân, giác ngộ lý tưởng cộng sản. Thời gian bị giam cầm trong nhà tù Hỏa Lò,đồng chí tỏ rõ nghị lực phi thường, chí khí quật cường, bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất, có niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng , của sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hình ảnh hiên ngang bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước pháp trường mãi mãi là bản anh hùng ca về khí tiết của người cộng sản trước quân thù và tình cảm nồng thắm, nhân văn với đồng đội và những người tù khác; là tấm gương về ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh của người cộng sản để thực hiện những mục tiêu cao cả của Đảng, của dân tộc.
- Phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cộng sản.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn nêu cao ý chí chấp hành tổ chức, kỷ luật của người đảng viên cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc. Cuộc đời cách mạng của đồng chí là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phẩm chất cách mạng của người cộng sản với phong cách giai cấp công nhân Việt Nam. Giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng, nhưng đồng chí không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị, không đòi hỏi gì về vật chất, nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ nhân dân. Đồng chí là một mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn chăm lo đoàn kết đồng chí, đồng bào, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, đầu hàng, phản bội.
- Tác phong của người lãnh đạo cách mạng.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ là một nhà lãnh đạo có tác phong dân chủ, gần gũi, hòa đồng với nhân dân. Đồng chí luôn thuyết phục người khác bằng phương pháp vừa có tính nguyên tắc, khoa học, vừa nhân ái, bao dung. Điều đó đã làm nên những giá trị quy tụ được lòng người, làm cho nhân dân tin vào Đảng, tự nguyện tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu về xây dựng tình đoàn kết, tinh thần tự phê bình và phê bình rất hữu ích cho công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ trong sạch; xây dựng đoàn kết nội bộ, gây dựng tình cảm thân ái, tôn trọng lẫn nhau; tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã để lại cho các thế hệ cách mạng đời sau những bài học vô cùng quý báu. Tấm gương người chiến sĩ cộng Sản Hoàng Văn Thụ kiên trung, bất khuất sẽ mãi mãi là niềm tự hào to lớn của toàn Đảng và toàn dân ta.
Nhân dịp kỷ niệm 109 năm Ngày sinh Đồng chí Hoàng Văn Thụ là dịp để thế hệ ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, tưởng nhớ về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ – Người con ưu tú của mảnh đất Xứ Lạng anh hùng, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc. Qua đó, giúp cho các thế hệ hiểu sâu sắc hơn, tự hào và trân trọng những thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã giành được, tạo động lực to lớn trong việc triển khai tuyên truyền việc học tập Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Noi gương đồng chí Hoàng Văn Thụ, toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phấn đấu xây dựng Lạng Sơn thành một tỉnh biên giới có chính trị ổn định, kinh tế – xã hội phát triển, quốc phòng – an ninh được giữ vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên và các tần lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, đoàn kết, năng động, sáng tạo, cùng chung sức phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2018.
Nguồn bài: Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn - Ảnh: Thư viện tỉnh Lạng Sơn.
Đăng nhận xét