Trong lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta, trải qua hơn nửa thế kỷ qua có biết bao người con ưu tú đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vẻ vang cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiêu biểu như các đồng chí: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ… Khu tưởng niệm Hoàng Văn Thụ hiện nay thuộc phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ, người dân tộc Tày, sinh ngày 4-11-1909 tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Ngay từ nhỏ đồng chí là người thông minh, hiếu học, ham hiểu biết, sống chân thành và dũng cảm. Thuở nhỏ theo học tại Trường Tiểu học Việt Pháp ở Lạng Sơn. Sau phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (1925) và để tang Phan Chu Trinh (1926), đồng chí Hoàng Văn Thụ tham gia thành lập nhóm thanh niên yêu nước ở Lạng Sơn. Năm 1928, tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ nhất của Đảng (27-3-1935), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tích cực tổ chức phát triển cơ sở Đảng ở Cao Bằng, mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ làm nòng cốt cho cách mạng, tổ chức kết nạp Đảng viên, phát triển cơ sở Đảng ở các địa phương. Là một trong những Đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên.
Năm 1938, đồng chí được Trung ương cử vào Ban lãnh đạo Xứ uỷ Bắc kỳ. Năm 1939, đồng chí là Bí thư Xứ uỷ. Với cương vị là Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí đã chỉ đạo củng cố Thành uỷ Hà Nội trong thời kỳ bị địch khủng bố gắt gao (1939 - 1940). Từ Hội nghị Trung ương lần thứ VII (tháng 11 năm 1940), đồng chí là Uỷ viên Trung ương Đảng. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5 năm 1941), đồng chí được cử vào Tổng bộ Việt Minh, phụ trách công tác mặt trận và binh vận của Đảng, đồng chí là một trong những người sáng lập báo “Cờ giải phóng”.
Ngày 25-8-1943, trên đường đi dự cuộc họp tại Hà Nội, đồng chí bị mật thám bắt tại khu tám mái (Hà Nội). Trong thời gian bị bắt giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò Hà Nội đứng trước mọi thủ đoạn thâm độc, đồng chí đã nêu cao khí tiết bất khuất của người chiến sĩ cộng sản khiến cho các đồng chí, đồng đội khâm phục, quí mến và kẻ thù phải khiếp sợ.
Khu tưởng niệm Hoàng Văn Thụ (Ảnh: TL). |
Theo hồi ký của đồng chí Trần Đăng Ninh, người chiến sĩ cộng sản đã từng bị giam cầm cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ tại Nhà tù Hoả lò, trong phiên toà đại hình do bọn thực dân mở để xử án, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản kiên cường luôn vững tin ở ngày toàn thắng, Người đã chỉ thẳng vào mặt kẻ thù bằng những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Ý chí gang thép ấy làm quân thù kinh ngạc khiếp sợ, sáng ngày 24-5-1944, kẻ thù đã hèn hạ sát hại đồng chí tại trường bắn Tương Mai.
Sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh, nhân dân làng Tương Mai đã bí mật tổ chức an táng, bảo vệ giữ gìn hài cốt của đồng chí ngay tại cánh đồng Tương Mai. Sau hoà bình năm 1954, Nhà nước xây lại mộ đồng chí. Năm 1958, thi hài đồng chí được chuyển về Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội. Với mục đích tôn vinh giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ công lao của một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, ăm 2008, UBND thành phố đã đầu tư, tu bổ, tôn tạo xây dựng nhà bia tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ. Khu tưởng niệm có tổng diện tích 2,430m2 bao gồm các hạng mục: vườn hoa, cây xanh, đèn chiếu sáng, tiểu cảnh, sân nội bộ… chính diện là Tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ tạc bằng đá quí khai thác từ Thanh Hoá, tổng chiều cao 8,55m, tượng cao 6,03 m, nặng hơn 80 tấn tổng mức đầu tư trên 11 tỉ đồng. Sau 12 tháng khẩn trương thi công, công trình đã hoàn thành và là một trong những công trình được UBND thành phố gắn biển kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ được đặt trong một khuôn viên khá rộng và đẹp ở vị trí trung tâm của phường Hoàng Văn Thụ. Các kiến trúc xây dựng ở khu mộ được sắp xếp chặt chẽ theo qui hoạch kiến trúc truyền thống bao gồm: nhà bia, sân, vườn xếp theo chiều dọc tạo không gian trang nghiêm cho Khu Di tích. Sau cổng vào là vườn hoa nhỏ với các bồn hoa, cây cảnh được sắp xếp hài hoà, hợp lý trong khuôn viên cây xanh tĩnh mịch. Hai bên đường vào là hai hàng thông như những vệ tinh đứng gác. Phía trước bên trái nhà bia trồng cây hồi do tỉnh Lạng Sơn - quê hương đồng chí Hoàng Văn Thụ tặng, bên phải trồng cây đa. Hai cây này do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta cùng các đồng chí ở tỉnh Lạng Sơn, Quận uỷ, UBND quận Hai Bà Trưng trồng kỷ niệm trong ngày khánh thành Khu Di tích. Nhà bia là nếp nhà được xây theo kiểu phương đình hai tầng tám mái, có các đầu đao cong ngược lên, mái lợp ngói ta, trên nóc mái và các bờ nóc đắp các họa tiết trang trí cách điệu, cổ diêm giữa 2 mái làm hàng chắn song con tiện bằng sứ bát tràng màu nâu vàng; tầng mái trên làm kiểu vì kèo quá giang. Các mái có hệ thống bẩy ngang ăn sâu chân mộng vào thân cột cái. Toàn bộ kết cấu mái được đặt trên 8 cột tròn vững chắc kê trên các đấu kê hình bát. Trên hệ thống xà dui, cột, mái của nhà bia đều được làm bằng vật liệu bền vững nhưng trang trí màu sắc hài hoà, hợp lý mang phong cách kiến trúc cổ truyền thống. Giữa nhà bia có tấm bia lớn (170cm x 90cm). Hai mặt tấm bia chạm nổi hình tượng búa liềm trong là lá cờ Đảng, mặt trước bia khắc tóm tắt thân thế, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ, mặt sau khắc nội dung bài thơ “Nhắn bạn” nổi tiếng của đồng chí, xung quanh nhà bia tạo cây cảnh và không gian yên tĩnh, mát mẻ.
Khu tưởng niệm Hoàng Văn Thụ hiện nay thuộc phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: TL). |
Hiện nay, tại Bệnh viện Quân chủng Không quân còn giữ lại những dấu vết của trường bắn mà kẻ thù đã sát hại đồng chí Hoàng Văn Thụ bao gồm: 2 bệ bắn, 2 cọc định vị chiếc máy chém của giặc. Hầm “Con én” là nơi nhốt tử tù trước khi đưa ra hành quyết. Ban Giám đốc Bệnh viện đã cho xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí và khánh thành 22-12-1988 gồm: tượng bán thân đồng chí Hoàng Văn Thụ, bồn hoa, cây cảnh. Tượng đồng chí Hoàng Văn Thụ là một công trình điêu khắc có giá trị hiện thực và thẩm mỹ cao. Bức tượng do ông Hứa Tiểu Hoà, nhà điêu khắc tâm huyết, tác giả bức tượng Hoàng Văn Thụ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Bắc. Vị trí đặt tượng chính là nơi đồng chí đã anh dũng hy sinh. Tại các bệ bắn, các nhà điêu khắc đã dựng hình tượng con đại bàng biểu tượng ý chí quật cường dứt khỏi gông xiềng, bay vào bầu trời tự do.
Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ là di tích cách mạng kháng chiến quan trọng, tiêu biểu của quận Hoàng Mai nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, nơi giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của nhân dân địa phương, nơi lưu danh, tưởng nhớ một anh hùng liệt sĩ đã hy sinh quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tác giả: Nguyễn Thị Phượng - thegioidisan.vn
Đăng nhận xét