Tuyến phố mang tên người chiến sĩ cách mạng Hoàng Văn Thụ, là một trong những người tiên phong trên con đường cách mạng giải phóng dân tộc.
Hoàng Văn Thụ sinh năm 1906, làng Tày, quê ở Lạng Sơn. Năm 1927, vào lúc 21 tuổi thì bắt đầu vượt biên sang hoạt động cách mạng ở Quảng Tây, năm 1935 dự ĐH Đảng lần thứ nhất ở Macao và đến năm 1928 được bổ sung vào xứ ủy Bắc Kỳ, được phân công chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hà Nội, Quảng Ninh. Năm 1929 được bầu làm bí thư xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 11/1940, ở Hội nghị Trung ương lần thứ 7, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào thường vụ Trung ương đảng, chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Đến tháng 2/1941, Hoàng Văn Thụ được phân công đón được Nguyễn Ái Quốc từ hải ngoại trở về chỉ đạo hoạt động cách mạng trong nước. Đến tháng 8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt và đến ngày 24/5/1944, bị xử bắn ở trường bắn Tương Mai. Trong bài thơ tuyệt mệnh để lại có câu thơ rất hay của đc Hoàng Văn Thụ nói về chí khí của người cộng sản cộng sản: Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.
Điểm dừng
Phố Hoàng Văn Thụ dài hơn 500m được nối từ đường Hoàng Diệu đến đường Hùng Vương, phía Tây Bắc quảng trường Ba Đình. Hai bên phố được trồng xà cừ. Không biết cây có từ bao giờ nhưng thân cây to hai đến ba người ôm mới xuể. Mùa hè phố là một trong những con đường mát nhất của thủ đô thu hút nhiều bạn trẻ tới để chụp ảnh. Phố không có nhà ở của người dân, một bên phố là mặt sau của Tòa nhà Quốc hội, một bên là trụ sở của Ban tuyên giáo trung ương và một vài cơ quan ngang Bộ. Phố là điểm giao giữa đường Hùng vương và Lăng Bác nên luôn thu hút người tới tham quan và đi bộ. Đặc biệt lễ Hạ cờ vào mỗi buổi tối. Bạn Ngân một người tới chiêm ngưỡng lễ Hạ cờ chia sẻ: “Hạ cờ là một nghi lễ quốc gia rất trang trọng. Thực sự là một người trẻ đứng giữa một không gian trang trọng như thế thì mình cảm thấy là mình đang tự vấn là phải sống và làm việc như thế nào đấy là cháu Bác Hồ.
Phố Hoàng Văn Thụ là một trong những tuyến phố mát nhất của thủ đô thu hút nhiều bạn trẻ tới để chụp ảnh.
Bên cạnh Lễ hạ cờ, ngày ngày vẫn có những đoàn người dài nối nhau vào viếng lăng Bác, bày tỏ lòng kính yêu của mình trước anh linh vị cha già kính yêu của dân tộc.
Bạn Hoàng sinh viên năm nhất trường Học viện báo chí lần đầu tiên được vào viếng lăng Bác tâm sự: “Đối với bản thân mình thì đây có lẽ là lần đầu tiên mình có cơ hội đến viếng Bác và trong mình có rất là nhiều cảm xúc đan xen. Vừa là niềm vui hào hứng khi lần đầu tiên Viếng lăng Chủ tịch và khi đến mình thấy vừa tự hào, vui lẫn cả những cái gì tò mò nữa. Thỏa mãn sự tò mò của bản thân”.
Nằm trong tuyến phố trọng điểm quanh lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, phố Hoàng Văn Thụ từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, mang trên mình sứ mệnh của con đường lịch sử không thể thay thế.
Cảm nhận của tôi
Phố Hoàng Văn Thụ dài gần 500m được nối từ đường Hoàng Diệu tới đường dẫn tới cổng chính của Phủ Chủ tịch (trước là Phủ Toàn quyền Đông Dương thời Pháp thuộc) nằm phía bắc quảng trường Ba Đình. Đất này nguyên là vùng Cung Cấm của thành Thăng Long thời Lý - Trần. Nay thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình. Thời Pháp thuộc gọi đại lộ Cộng Hoà, sau Cách mạng gọi là phố Dân Quyền. Tên phố Hoàng Văn Thụ được đổi sau khi hòa bình lập lại.
Tới Hà Nội, ngoài các điểm di tích nổi tiếng, du khách sẽ có thể thấy thú vị khi được chứng kiến nghi lễ thượng cờ và hạ cờ vào 6 giờ sáng và 21 giờ hàng ngày tại quảng trường Ba Đình. Nhiều người dân Thủ đô hàng ngày vẫn có sở thích đứng xem lễ thượng cờ và hạ cờ tại Lăng Chủ tịch.
Có một lễ hạ cờ, cũng trang trọng, thiêng liêng như lễ chào cờ nhưng hình như không được nói đến nhiều như lễ chào cờ, mà có lẽ nó được tổ chức ở một nơi duy nhất là quảng trường Ba Đình Hà Nội. Lễ hạ cờ được tổ chức vào đúng 21h hàng ngày. Khung cảnh và thời gian lúc ấy khiến nhiều người tò mò háo hức tới xem.
Đặc biệt khi nhạc bài hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” vang lên lòng tôi lại thấy dâng lên trong lòng một điều gì đó rất khó tả, bàn chân run run tưởng như không thể đứng vững. Lúc đoàn quân lễ dừng lại trước cột cờ, tiếng loa vang lên “Đã đến giờ cử hành lễ hạ cờ đề nghị đồng bào trên khu vực quảng trường Ba Đình ngừng mọi hoạt động, đứng tại chỗ, hướng về phía cột cờ để thực hiện nghi lễ trang trọng". Đứng nghiêm mình khi quốc kì được hạ xuống, nhìn quốc kì tung bay tôi chợt thấy mình cần phải biết ơn những người đã ngã xuống để đất nước có ngày hôm nay. Nhìn lá cờ tổ quốc tung bay trong vùng trời bình tôi đồng cảm hơn với niềm hạnh phúc của một anh bạn đồng nghiệp khi có cơ hội ra Hoàng Sa tác nghiệp. Xin được trích lời anh: "Hạnh phúc của tôi trong những ngày sống ở biển Hoàng Sa là được nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió trên nóc ca bin của những chiếc tàu đánh cá đang ngày đêm bám vùng biển Hoàng Sa để mưu sinh. Mỗi lần nhìn lá cờ Tổ quốc phần phật bay, tim tôi như nghẹn lại cùng với lòng tự hào. Tổ quốc vẫn hiển hiện trên bầu trời biển đảo giữa trùng khơi."
Quốc kì được gói gọn và được người chiến sĩ ôm trong lồng ngực và trái tim đầy nhiệt huyết một cách trang trọng. Đoàn Quân lễ đi ngang qua Lăng Bác , sải bước nghiêm trang chào lãnh tụ suốt dọc chiều dài dòng chữ “ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Thêm một lần nữa tôi thấy sự vĩ đại của vị cha già đã hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc.
Lá cờ Tổ quốc vẫn đang tung bay trên Quảng trường Ba Đình lịch sử trước Lăng Bác để giữ mãi hình ảnh tuyệt đẹp về đất nước trong lòng đồng bào và khách quốc tế mỗi khi về viếng Bác và tham quan khu vực Lăng.
Thông tin hữu ích
# Phố Hoàng Văn Thụ dài gần 500m được nối từ đường Hoàng Diệu tới đường dẫn tới cổng chính của Phủ Chủ tịch (trước là Phủ Toàn quyền Đông Dương thời Pháp thuộc) nằm phía bắc quảng trường Ba Đình.
# Đây là phố hai chiều và không có xe bus chạy qua. Giao thông trên phố luôn được duy trì ở mức độ ổn định.
Ảnh: manhdo - Bài: vovgiaothong.vn
Đăng nhận xét