“Ðặc biệt anh Thụ không buồn. Anh thường bảo tôi: "Năm nay tôi ba mươi tám tuổi. Hơn hai mươi năm đấu tranh cách mạng, đến đây tôi thấy rằng đã tận tâm, tận lực với Ðảng, với dân tộc. Dù có chết tôi cũng an tâm.” Ông Trần Đăng Ninh kể về những ngày cuối cùng của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
Trong sở mật thám Hà Nội
Tháng 8-1943, bọn mật thám bắt được anh Thụ ở Tám - mái Hà Nội. Chúng bịt mắt anh đưa lên ô-tô. Mở mắt, anh thấy mình trong buồng La-néc, chánh mật thám Hà Nội.
La-néc dỗ:
- Lý ơi(1), mày xa nhà gần hai mươi năm rồi. Gia đình mày khát khao gặp mày đấy. Mày có muốn về nhà gặp bố mẹ mày không?
Anh Thụ bình tĩnh trả lời:
- Lâu ngày xa cha mẹ, cũng muốn gặp.
- Vậy mày nói thật đi, rồi tao cho gặp.
- Ông bảo tôi nói gì? Công việc làm của tôi, chắc ông đã biết. Hà tất tôi phải nói thêm.
Thế là bắt đầu cuộc tra tấn dã man. Chúng đánh anh trong xà-lim; chúng đánh anh trên gác; chúng đánh anh trong hầm đá. Chúng đánh ngày, đánh đêm. Một hòm điện không đủ, chúng dùng hai hòm điện.
Chán đòn điện, đòn bộ, chúng dùng đòn nước. Nhưng người chiến sĩ trơ trơ sắt đá. Thân thể anh tơi tả, nhưng tuyệt nhiên miệng anh không khai một tí bí mật nào của cách mạng.
Luýt, tên đao phủ dã man nhất của Phòng nhì Hà Nội, lồng lộn:
- Thế thì mày ở đâu, đi đâu, làm gì, liên lạc với ai?
... Ðiện, nước, dùi cui lại thay cho lời nói. Trong hơn hai mươi trận anh Thụ bị đánh, có tám trận nặng nhất. Chúng đánh anh về đêm, từ quãng chín giờ tối đến ba giờ sáng. Chỉ khi thấy anh chết ngất, chúng mới thôi, khiêng vứt anh xuống xà-lim.
... Ðặc biệt trong thời gian tra tấn, giữa hai tua điện hay khi anh tỉnh, anh vẫn ôn tồn thuyết giặc:
- Tôi biết các ông chẳng thù oán gì tôi cả. Các ông chỉ là lưỡi dao mà người khác cầm cán. Nhưng các ông nên hiểu rằng thủ đoạn dùi cui của các ông nhất định không đưa các ông đến sự thật đâu.
Rồi bằng một giọng tha thiết lâm ly, anh nhắc đến những nỗi khổ cực của người Pháp sống dưới ách phát-xít Ðức ở nước Pháp, phát- xít Nhật ở Ðông Dương. Anh tuyên truyền cho sự bắt tay thân thiện giữa nhân dân Ðông Dương và những phần tử Pháp tiến bộ để đánh đổ Nhật. Luýt nhiều lần phải ngừng tay vứt hòm điện, lắc đầu đi ra khỏi buồng tra.
Những anh em cán bộ bị bắt cùng thời gian với anh - trong đó có tôi đứng trước tấm gương anh dũng của anh, đều phấn khởi. Chúng tôi nghiến răng ăn đòn giặc. Anh Thụ không ngừng kích thích chúng tôi. Mỗi lần tập tễnh đi qua buồng tôi, hoặc đi đại, tiểu tiện, hoặc lên gặp La-néc, anh lại nói vọng vào:
- Có đau thì cũng cố chịu nhé. Ðừng quên Tổ quốc và Ðảng.
Các anh em thường phạm rất thương anh. Họ đi làm cỏ vê ngoài phố, thỉnh thoảng dành tiền mua về giúi cho anh nào bánh, nào chuối. Tên gác ngục cũng kiêng nể anh. Hắn được lệnh đêm phải cùm anh Thụ cả hai chân. Nhưng thường thường, hắn vẫn để cả hai chân anh tự do. Thỉnh thoảng hắn mới cùm anh một chân chiếu lệ.
Trong xà- lim án chém
... Anh Hoàng Văn Thụ thế là bị kết án xử tử. Anh vào xà- lim án chém sau tôi tám ngày. Cùng với hai chúng tôi, có một số thủ lĩnh Ðại Việt như Thái Phỉ, Trương Anh Tự, Phạm Ðình Cương, v.v. vào từ trước. Mỗi người riêng một buồng, cách nhau một bức tường. Những ngày anh mới tới bọn họ có vẻ khinh anh, họ châm chọc anh, nói xấu Việt Minh. Anh còn mệt, chưa trả lời vội. Nhưng một hôm anh mở cuộc tranh luận; anh phân tích tình hình đại chiến thứ hai, vạch rõ sự thất bại của phát- xít Ðức, Ý, Nhật, chủ trương đúng của Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát- xít Pháp - Nhật do Ðảng Cộng sản Ðông Dương lãnh đạo. Bọn Ðại Việt trước còn già mồm, về sau đuối lý, cứ gãy dần. Chỉ còn Trương Anh Tự là vẫn chày cối cãi bậy. Ðến nỗi về sau, cả bọn kia lại quay lại công kích Tự. Từ đó bọn họ biết anh Thụ là một nhân tài, họ kính nể anh và thường hỏi ý kiến anh về thời cuộc.
Những anh em chính trị phạm bên Hỏa Lò thỉnh thoảng gửi thư thăm hỏi anh, và tin rằng có thể anh không bị xử tử, cho là bọn thực dân Pháp ở Ðông Dương sẽ bắt tay với cách mạng Việt Nam. Anh nhắn lại anh em:
Ðừng ngây thơ về chính trị. Ðấy là một sự phán đoán nặng về tình cảm. Tôi trước sau cũng bị chúng xử tử đấy.
Ðặc biệt anh Thụ không buồn. Anh thường bảo tôi:
- Năm nay tôi ba mươi tám tuổi. Hơn hai mươi năm đấu tranh cách mạng, đến đây tôi thấy rằng đã tận tâm, tận lực với Ðảng, với dân tộc. Dù có chết tôi cũng an tâm.
Quà bánh anh em ở ngoài gửi vào cho anh, anh chia cho tôi phần lớn. Anh bảo:
- Anh ăn đi, không nên để cho tôi nhiều. Anh ăn có ích hơn tôi. Tôi ăn chỉ là để bón gốc cây vô ích.
Anh luôn luôn trau dồi đạo đức và lý luận cách mạng cho tôi. Những ngày cuối cùng của đời anh, anh đã dùng để trao cho tôi bao nhiêu kinh nghiệm đấu tranh. Ngày nay mỗi lần nhớ những bài học của anh là mỗi lần bùi ngùi nhớ lại cả cái khung cảnh đen tối của xà-lim án chém, những buổi hoàng hôn tháng tư âm thầm trong nhà ngục lặng lẽ, hình ảnh chói lọi của người chiến sĩ ấy biết mình sắp chết dưới mũi súng quân thù nhưng vẫn dâng những hơi thở cuối cùng cho cách mạng.
Ði ra pháp trường
Chiều 23-5-1944. Chìa khóa mở cánh cửa sắt khu xà-lim án chém kêu loảng xoảng. Tôi nhìn ra. Một cố đạo đi vào cùng với tên chúa ngục Cơ-lê-măng-ti. Họ đi xem lại các số tù. Lúc họ trở ra, người giám thị đến cho tôi biết là sáng mai có lệnh tập trung các giám thị trong Hỏa Lò. Rồi hắn đến buồng anh Thụ, biếu anh một điếu thuốc lá thơm.
Tôi giật mình. Tính từ ngày xử án anh Thụ tới nay, đã được bốn tháng. Thời gian chống án đã hết. Nghĩa là có thể ngày mai anh sẽ bị đưa ra pháp trường. Nhưng tôi vẫn mong rằng điều ấy sẽ không xảy ra. Về phần anh Thụ ở buồng bên cạnh, hình như linh tính cũng báo cho anh biết một việc bất thường, anh hỏi sang tôi:
- Gì thế anh?
- Không có gì cả, anh ạ.
Rồi chúng tôi im lặng cả buổi chiều. Cả anh lẫn tôi, dường như không ai dám nói đến cái việc đau lòng ấy cả. Mấy anh em Ðại Việt cũng lặng thinh.
Suốt đêm hôm ấy, không ai ngủ được. Tôi nghe tiếng anh Thụ trở mình luôn. Chắc lúc này anh suy nghĩ nhiều lắm.
5 giờ 30 sáng ngày 24. Cánh cửa sắt lại mở. Tôi chồm dậy, nhìn qua khe cửa. Mấy người giám thị vào, đi qua một lượt, nhìn vào buồng chúng tôi rồi lại đi ra. Tôi thấy nhẹ bỗng cả người. Và tự nghĩ:
- Thế này thì chưa chắc anh Thụ đã bị xử.
Nhưng 6 giờ kém 15, cánh cửa sắt lại mở một lần nữa và lần này thì tiếng giày đinh lạo xạo ngoài sân. Một tốp lính lê-dương súng ống nai nịt, lưỡi lê tuốt trần đứng sắp hàng trước buồng chúng tôi. Cơ-lê-măng-ti theo một người giám thị vào mở cửa buồng anh Thụ. Thôi, đúng anh Thụ phải "đi" rồi!
Tôi nghe tiếng người giám thị hỏi anh Thụ:
- Có cần bịt mắt không?
Và cái giọng vẫn bình tĩnh của anh:
- Không cần.
Không nén nổi, tôi hô đến vỡ ngực:
- Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!
- Tinh thần Hoàng Văn Thụ bất tử!
Tiếng hô của tôi được những người tù Ðại Việt hưởng ứng.
Anh Hoàng Văn Thụ liền hô trả lời:
- Việt Nam độc lập muôn năm!
- Ðảng Cộng sản Ðông Dương muôn năm!
Và nhắn tôi:
- Chào anh và gửi lời chào các anh ở lại.
Thế là anh Thụ đi. Tôi dán mắt vào khe cửa nhìn mãi theo cái bóng lờ mờ, mảnh khảnh của anh giữa hai hàng lưỡi lê sáng loáng. Buồn thương, uất ức dào dạt trong lòng. Ðôi mắt tôi lâu nay đã ráo hoảnh trong ngọn lửa đấu tranh cũng tự nhiên rưng rưng lệ.
Buổi trưa hôm đó, giám thị trở vào nói chuyện với chúng tôi về phút cuối cùng của anh trong nhà pha Hỏa Lò. Lúc ra, gặp những giám thị đứng gác từng chặng, anh ôn tồn chào họ:
- Thôi ông ở lại mạnh khỏe nhé. Tôi đi.
Ðến cửa buồng giấy mật thám, cố đạo, quan tòa, chúa ngục đã đợi anh đông đủ. Quan tòa hỏi:
- Anh có muốn nói gì nữa không?
- Không nói gì nữa. Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước, và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng.
Cố đạo hỏi:
- Anh có muốn rửa tội không?
- Cám ơn ông, tôi không có tội gì. Nếu yêu nước, cứu nước mà có tội thì những người Pháp hiện giờ đang đấu tranh chống phát-xít Ðức bên nước ông đều là có tội cả. Ông hãy về hỏi họ xem có tội không?
Giặc đưa thuốc lá cho anh hút. Anh cầm điếu thuốc hút thản nhiên, miệng mỉm cười, nét mặt vẫn tỉnh. Sáu giờ đúng, giặc đưa anh đi. Tôi nhớ mãi câu trầm trồ của người giám thị:
- Thật là một người gang thép! Thật là một người gang thép!
Trần Đăng Ninh
(Trích trong cuốn "Con đường cách mạng" - hồi ký, NXB Thanh niên, Hà Nội 1970.)
(1) Tên bí mật của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
Đăng nhận xét