Quê hương đổi sắc thay da

Từ đỉnh núi Đầu Rồng lộng gió, phóng tầm mắt có thể thấy cánh đồng xanh ngắt bao quanh những nếp nhà sàn, nhà ngói đỏ tươi ở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Sự trù phú, tươi đẹp đang hiện hữu trên quê hương nhà lãnh đạo tiền bối, người con ưu tú của quê hương xứ Lạng.

Thôn Nhân Hòa, nơi anh Thụ sinh ra và lớn lên đạt thôn kiểu mẫu. Ảnh: Duy Chiến.

Chúng tôi theo con đường trải nhựa dẫn vào trung tâm xã Hoàng Văn Thụ rực rỡ cờ, hoa và băng rôn trang trí cho lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Xã Hoàng Văn Thụ là nơi quần tụ nhiều bản làng trên thung lũng rộng, đồng ruộng phì nhiêu, vây quanh là những dãy núi đá vôi nối tiếp nhau như những con rồng xanh. Chúng tôi đến thăm ngôi nhà lưu niệm Hoàng Văn Thụ ở giữa thôn Nhân Hòa. Nơi đây, anh Thụ đã sinh ra, lớn lên trong tiếng hát Sli, Lượn cùng tiếng mẹ ru đẫm mùi hoa hồi xứ sở.

Hình bóng xưa

Dẫn chúng tôi đi trên con đường nhỏ lát đá, ngược lên núi Đầu Rồng, ông Nông Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ chỉ cho thấy ngôi nhà sàn truyền thống của người dân nơi đây.

Ngày xưa, tổ tiên họ Hoàng nức tiếng trong vùng vì nhân nghĩa. Năm 1885, khi thực dân Pháp đánh chiếm Lạng Sơn, giặc Tàu bên kia biên giới nhân cơ hội này tràn sang cướp bóc, tàn phá các làng ở khu vực vùng biên. Dòng họ Hoàng đã chung sức, đồng lòng chỉ huy dân làng đánh kẻ thù. Do chiến tranh, giặc giã nên cơ nghiệp, tài sản của họ Hoàng bị ảnh hưởng nặng nề.

Sau này, ông Hoàng Khải Lan (thân sinh Hoàng Văn Thụ) cùng người già có uy tín bàn bạc làm ăn, gánh vác công việc của hàng Tổng ở quê nhà. Khi đó, các cụ dựng lên ngôi nhà sàn khang trang để làm nơi tiếp khách mua dầu hồi từ Trung Quốc và cả chủ buôn bán hoa hồi, bạc trắng từ Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) đến cộng tác làm ăn.

Chúng tôi ngước nhìn ngôi nhà sàn thật uy nghi, đậm chất truyền thống quê hương. Nhà sàn có kiến trúc ba gian, hai mái có 5 hàng cột kê trên đá tảng, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ tứ thiết, xung quanh bao bọc là liếp tre, mái lợp ngói âm dương. Gian giữa có bàn thờ gia tiên và chỗ ngồi tiếp khách, hai bên bố trí thành nhiều buồng nhỏ để tiện sinh hoạt hàng ngày của các thành viên gia đình. Nửa nhà sau được ngăn làm gian bếp, dưới gầm để các dụng cụ làm nông và sinh hoạt, vật dụng sinh hoạt hằng ngày.

Khoảng những năm 1950, ngôi nhà bị xuống cấp, hư hỏng, không sử dụng được. Năm 1984, tỉnh Lạng Sơn tiến hành phục dựng lại nhà sàn trên nền cũ để làm nơi lưu niệm, phục vụ nhân dân đến tham quan, nghiên cứu, học tập về thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Phát huy truyền thống

Chủ tịch Nông Văn Nguyên cho biết, xã Hoàng Văn Thụ cách trung tâm huyện Văn Lãng 23km, phía Đông Bắc tiếp giáp xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng), phía Đông Nam giáp xã Bình Trung (huyện Cao Lộc), phía Nam và Tây Bắc giáp xã Nhạc Kỳ và Hồng Thái (huyện Văn Lãng). Ngày xưa địa phương thuộc nơi hẻo lánh vì con đường nhỏ, uốn lượn xuyên rừng rậm âm u, qua nhiều khe suối.

Từ khi cách mạng thành công, xã Hoàng Văn Thụ đã thay da, đổi thịt, nhất là khi nhà nước xây dựng con đường trải nhựa phẳng lỳ từ ngã ba Ma Mèo đến trung tâm xã dài 15km. “Ngày xưa thì vắng bóng người, nay nhộn nhịp bước chân du khách đến thăm thân, mua bán. Đông vui nhất là ngày chợ phiên mồng 4 và mồng 9 âm lịch hàng tháng. Phần đông là tiểu thương về thu mua hoa hồi, gạo cùng lâm thổ sản của địa phương”, ông Nguyên phấn khởi nói.

Theo ông Nguyên, tổng diện tích tự nhiên của xã là 1.602,75 ha, trong đó đất nông nghiệp có trên 180 ha. Xã Hoàng Văn Thụ có 11 thôn bản với 701 hộ, 3.200 nhân khẩu người Tày, Nùng, Kinh sống chung hòa thuận.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chủ động đề ra nhiều giải pháp, phát huy mọi nguồn lực trong nhân dân và sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp, các ngành, từ đó đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Cách đây 4 năm (2015), Hoàng Văn Thụ là xã đầu tiên trên địa bàn huyện Văn Lãng đạt chuẩn nông thôn mới

Thế hệ trẻ trên quê hương anh Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Duy Chiến.

Phát huy những thành tích từ mô hình xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, kênh mương nội đồng, trạm y tế, trường học, điện chiếu sáng tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đến nay, tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn trên 93%, tăng 8% so với năm 2015. Hạ tầng cơ bản hoàn thiện với 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa. Năm 2018 có 656/679 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm trên 96%).

“Các mô hình kinh tế hộ, trang trại, kinh tế hợp tác xã ra đời, vừa phát huy được lợi thế của xã, vừa giải quyết nguồn lao động tại chỗ. Hiện, toàn xã có 1 hợp tác xã và 5 mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Nhân dân tích cực trồng được trên 51.000 cây các loại”, ông Nguyên cho biết thêm.

Chúng tôi trở lại thôn Nhân Hòa, nơi có những di tích lịch sử liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp Hoàng Văn Thụ, ông chủ tịch xã giới thiệu: “Thôn Nhân Hòa đạt khu dân cư kiểu mẫu. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, xã, thôn đã vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đóng góp ngày công trồng cây xanh hai bên đường, xây dựng hoàn thiện công trình phụ trợ. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi cho người dân, từ đó đời sống của nhân dân ngày một khấm khá”.

Để có có cái nhìn toàn cảnh hơn về xã Hoàng Văn Thụ, chúng tôi ngược đường lên núi Đầu Rồng. Hai bên đường trải dài những thửa ruộng lúa và con nước trong Nà Pàn. Chúng tôi nghỉ chân ở mỏm Cốc Bay - Tò Kẻo, một địa danh trở nên thiêng liêng với người dân nơi đây. Cốc Bay là gốc trám đen, Tỏ Kẻo là xoắn bện lấy nhau. Trám đen là một sản vật quý của người miền núi nên được người dân quan tâm vun trồng.

Nguyễn Duy Chiến - tienphong.vn

Đăng bình luận

Mới hơn Cũ hơn