Tình cảm của Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Lương Văn Tri, có một tình bạn sâu sắc, hiếm có với một con người đã để lại tên tuổi, tiếng thơm cho đời, đó là anh Hoàng Văn Thụ. Tình bạn đó đã nêu tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cống hiến trọn đời để góp phần điểm tô cho trang sử vẻ vang của Đảng ta, nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Tuổi trẻ Báo Lạng Sơn thăm Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri tại xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan.

Lương Văn Tri sinh năm 1910 tại Bản Hẻo, xã Mĩ Liệt, tổng Mĩ Liệt, châu Điềm He (nay là xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan) trong một gia đình nông dân người Tày. Song vì muốn cho con được tiến bước theo con đường học hành, ông Lương Lợi Tiên, bố của Lương Văn Tri  đã quyết định dù khó khăn cũng vẫn phải cho con theo học. Với bản tính thông minh, học giỏi lại miệt mài học tập nên sau một thời gian học ở trường làng, rồi học thêm ở châu Điềm He, Lương Văn Tri  đỗ thủ khoa Trường tiểu học Pháp-Việt. Chính tại đây, Lương Văn Tri  đã gặp Hoàng Văn Thụ. Từ đó tình anh em, tình bạn đã là cơ sở vững chắc cho tình đồng chí gắn bó máu thịt giữa Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ trong suốt những năm tháng sau này.

Là anh em, bạn bè

Ông Hoàng Khải Lan, bố của Hoàng Văn Thụ là bạn đồng hao với ông Lương Lợi Tiên, bố Lương Văn Tri , gọi ông Lương Lợi Tiên là anh rể. Vì thế mặc dù ít hơn một tuổi, nhưng là con bá nên Lương Văn Tri  được Hoàng Văn Thụ gọi là anh và là bạn học chung một lớp. Hai anh có sự gắn bó với nhau một cách sâu sắc bởi tình cảm anh em, tình bạn học. Đều thông minh, chăm chỉ và học giỏi có tiếng ở trường, nhanh nhẹn lại ham hiểu biết nên hai anh rất chăm học, đọc sách báo ngấu nghiến. Đến bữa ăn, anh Thụ phải nhắc anh Tri mới nhớ. Các bài kiểm tra thường kỳ ở các môn học cả hai anh đều đạt điểm cao và đều được thầy cô quý mến. Hàng tháng, học kỳ và cả năm, hai anh đều không phụ lòng thầy cô thay nhau đứng ở vị trí nhất, nhì trên bảng vàng danh dự của lớp. Ngoài giờ học, các anh còn coi gia đình mình trọ học như chính gia đình ruột thịt của mình. Hai anh nhiệt tình giúp đỡ các em học hành, chăm lo việc nhà, giúp việc kinh doanh nên chủ nhà quý mến coi như con cháu trong nhà. Nếu anh Thụ ý nhị, sâu sắc với những làn điệu dân ca của dân tộc, thì anh Tri lại am hiểu và say mê với những phố xá, chùa chiền. Hai anh như sự kết hợp của hai mặt văn hóa, bổ sung, hỗ trợ cho nhau như một cặp trời sinh. Là những người con hiếu thảo, tuy cuộc đời chủ yếu sống xa quê nhưng các anh đều hướng về cha mẹ, người thân với những tình cảm thiêng liêng nhất. Phải có sự tâm đầu ý hợp một cách sâu sắc lắm mới có thể có được sự đồng cảm đến vậy.

Là đồng chí, đồng đội

Không chỉ là những người anh em, người bạn học thân thiết, Lương Văn Tri và Lương Văn Tri  còn là người đồng chí, đồng đội gắn bó với nhau trong quãng thời gian hoạt động cách mạng. Chính Hoàng Văn Thụ là người “thưa chuyện” với cụ Lương Lợi Tiên để thuyết phục cụ cho Lương Văn Tri cùng mình “đi kiếm việc làm”; thực chất là đi hoạt động cách mạng để cứu nước, cứu dân. Cả hai đều là những thanh niên học sinh yêu nước có chung lý tưởng cách mạng sâu sắc là phải đánh đuổi bằng được giặc Pháp, đem lại cuộc sống hòa bình cho nhân dân. Ý nghĩ đó thôi thúc các anh thống nhất trong tư tưởng và hành động, vượt bao khó khăn, gian khổ về cả vật chất, tinh thần và thể xác để hoàn thành nhiệm vụ. “Duyên cách mạng” dường như gắn bó hai anh với cuộc chiến gian khổ mà anh dũng của dân tộc. Trên con đường đó, khi thì anh Thụ dặn dò anh Tri rất kỹ lưỡng nhiều điều để hoạt động, khi thì hai anh cùng phối hợp làm việc đại sự. Mỗi người đảm nhiệm một công việc, trọng trách khác nhau nhưng trong tâm trí anh Tri, anh Thụ là người luôn đáng để anh “nghe theo” trong mọi trường hợp, luôn kính yêu và khắc sâu hình ảnh về người em, người bạn, người đồng chí. Có lần, chỉ cần nghe nhắc đến tên anh Thụ, là anh Tri lại thấy lòng “trào dâng nỗi nhớ”; khi gặp lại hai anh “siết chặt tay”, “ôm chặt nhau” và có những cử chỉ thân thiết như vỗ vỗ vào lưng, khoác tay lên vai.



Sống mãi trong lòng quê hương

Cho đến ngày nay, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn vẫn nhớ về Lương Văn Tri và Hoàng Văn Thụ với một tình cảm biết ơn xen lẫn niềm tự hào sâu sắc về tình cảm của những người anh em, người bạn, người đồng chí, đồng đội, hơn hết là những thanh niên dân tộc Tày đã hy sinh cả cuộc đời cho cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc. Đất nước đã hòa bình, mảnh đất Xứ Lạng đã và đang đổi thay trước vận hội mới, từng bước báo đáp xứng đáng sự hy sinh oanh liệt và cao cả của các anh. Giờ đây, nơi “địa linh” Xứ Lạng đã khắc tạc những tượng đài “nhân kiệt” là các anh – ở nơi linh thiêng nhất. Tượng đài HVT sừng sững hiên ngang giữa trung tâm thành phố; tượng đài Lương Văn Tri bản lĩnh, kiên cường được trang trọng đặt giữa mảnh đất Văn Quan; quê hương anh.

Thanh Hòa - baolangson.vn

Đăng bình luận

Mới hơn Cũ hơn