Khí phách anh hùng

Thụ đưa cho bố mình giấy gọi của thầy Phác, gọi bố Thụ ra trường gặp thầy để bàn việc học hành của Thụ. Cầm giấy đọc xong, bố Thụ lo nghĩ: "...Nó đã bị đuổi học mấy tháng nay. Nhưng thầy vẫn quý nó, dạy nó học riêng, thầy lại giấu quan trên cho nó thi tốt nghiệp tiểu học!... Hay là nó thi đỗ nhưng bị đánh trượt vì tội 'vô lễ' với quan...!"

Đó là chuyện vào hồi tháng tư có quan đốc học người Pháp đến kiểm tra trường học. Thầy Phác được báo tin trước hàng nửa tháng sẽ có quan đến. Thầy Phác thức trắng mấy đêm liền, suy nghĩ cách đối phó với viên quan khó tính này. Viên quan này đến đâu là gây tai ương, vạ gió đến đó. Viên quan này thanh tra trường học nào, mặt ngoài ra vẻ bình thản, nhưng trong thâm tâm thì soi mói từ những việc nhỏ nhặt để trù úm các thầy. Đón tiếp quan không được long trọng, tiệc tùng, quà biếu quan không được hậu đãi thì quan vẫn điềm nhiên ra đi, thậm chí còn khen: "bông...bông...! (tốt..tốt...) Nhưng sau đó nửa tháng thì tai hoạ sẽ ập đến với người thầy không biết nịnh quan, làm mếch lòng quan. Thầy bị thuyên chuyển nơi khác là nhẹ, nặng bị buộc phải thôi việc... Do vậy, thầy Phác phải cố sức chuẩn bị, tập dượt đón tiếp trước hàng mấy buổi. Thầy Phác đóng giả quan thanh tra đi vào cổng, đi giữa hai hàng học trò, đi đến trước mặt trò nào, trò ấy phải chắp tay vái lạy và chào: "Chào ông lớn ạ!..." Tập dượt lần đầu, thầy Phác lại bắt trò đón tiếp khách thanh tra lần nữa... không có chuyện gì sơ suất xảy ra, thầy yên tâm!... 

Quan thanh tra đến. Cả thầy và trò đều hồi hộp, lo lắng. Quan thanh tra đến cổng trường. Thầy Phác ra tận cổng lạy đón quan thanh tra Pháp. Quan thanh tra đi vào sân trường giữa hai hàng học trò. Học trò đều cúi rạp: "Chào ông lớn. Chao quan lớn ạ." Quan lớn cao lêu đêu, mặc quần áo trắng rộng thùng thình, cái mũ cát trắng đội trên đầu che bớt cái trán bóng, hố mắt sâu, mũi cong khoặm như mỏ cú, tay dài lông mọc như vượn, cẳng cao, bước dài ngạo nghễ... Quan không hề cười nói, đáp lại lời chào của học trò nổi lên ồn ã: "Chào quan lớn. Chào quan lớn ạ." Thầy Phác bước theo sau quan cảm thấy yên tâm, tưởng rằng mọi việc sẽ ổn. Nhưng ngờ đâu khi quan lớn bước ngang qua trước mặt trò Thụ, Thụ chỉ đứng nghiêm chào. Một cử chỉ khác lạ. Quan lớn nhìn Thụ chằm chằm... Thầy Phác hoảng hồn, tưởng rằng Thụ sẽ bị quan Tây cho một cái tát vỡ mặt. Nhưng không, vị quan coi như không có gì xảy ra, mặt tỉnh khô, lặng lẽ bước đi đón nhận học trò tiếp nhau vái lạy lia lịa: "Chào quan lớn. Chào quan lớn ạ!" Có đứa cố ý nói ngọng thành: "Chào quan lưởn" (chào quan trơn). Thấy quan yên lặng, tảng lờ, thầy Phác lại càng lo vã mồ hôi. Biết đâu sự căm tức của quan chất chứa để rồi trút lên đầu thầy Phác!... Tuy lo, thầy vẫn phải cố sức đón tiếp thanh tra cho tốt với các nghi lễ phiền phức, trang trọng, mong sao quan thứ lỗi cho mình sơ suất... Phần chào cờ hát Quốc ca bằng tiếng Pháp đã tiến hành tốt. Lo nhất là phần quan thanh tra giờ học. Thầy Phác bố trí cho quan kiểm tra bài học thuộc lòng: "Nước mẹ Đại Pháp" để lấy lòng quan Tây. Thầy gọi trò Định lên đọc. Thầy tin Định sẽ đọc thuộc lưu loát. Nào ngờ do sợ quan, Định đọc ấp a ấp úng, đọc đến giữa bài bị quên, cứ nhắc lại mãi câu: "Nước Pháp là nước mẹ, nước An Nam là nước con" mà không sao nhớ nổi câu tiếp nối. Đám học trò trong lớp thấy buồn cười mà không dám cười, cứ phải nhịn... Thầy Phác thấy gay quá, đành đỡ lời: "... nước con phải..." Định đọc tiếp luôn: "Nước con phải biết ơn nước mẹ" và đọc liến thoắng cho hết bài. Trò Định đọc không thuộc, không lưu loát, dõng dạc. Thầy Phác lo lắng cuống cả lên, bởi có vị quan thanh tra ngồi bàn bên cạnh theo dõi. Thầy Phác bỗng nghĩ: "Chỉ còn có Thụ là đọc đạt nhất, thôi để nó cứu nguy tình thế. Thầy không kịp suy nghĩ đắn đo nhiều, gọi Thụ lên: "Hoàng Văn Thụ, đên đọc thuộc lòng: Nước mẹ Đại Pháp." Thụ đứng lên nói giọng lí nhí, khó nghe nhưng thầy nghe được: "Thưa slẩy (thầy) con, con bị đau khô ở cổ ạ!..." Thầy Phác toát mồ hôi, thật là một cú bất ngờ!... Quanh thanh tra ngoảnh sang hỏi thầy Phác: "Nó ốm cái gì?..." Thầy Phác lúng túng: "Dạ, thưa quan... dạ bẩm quan nó bị ốm, đau cổ." Thầy Phác bực tực quát: "Ngồi xuống!" Thầy Phác biết Thụ không phải đau cổ, lúc trưa thầy Phác còn thấy Thụ đùa nghịch, hò reo cùng bạn bè. Thầy Phác bỗng thấy đau lòng bởi trò chơi khăm mình và lo lắng nhìn quan thanh tra, sợ bị trù úm. Thầy Phác liếc nhìn quan thanh tra thấy quan nhìn Thụ chằm chặp, chắc quan lại nhận ra trò không lạy quan khi sáng. 

Đến chiều, thiết tiệc vị quan thanh tra với nhiều món ăn ngon và uống rượu nếp cẩm. Khi cả quan lẫn thầy đều bốc hơi men, cảm thấy nhẹ miệng dễ nói, thầy Phác mới lựa lời nịnh nọt, rào đón: "Bẩm quan lớn, con vẫn một lòng phụng sự cho sự nghiệp khai hoá văn minh cao cả của nước Đại Pháp ở xứ An Nam này... Con làm việc tận tâm, con quý trọng quan lớn thừa hành Nhà nước đến thanh tra trường con... dù con có chuẩn bị chu tất đón tiếp quan lớn với tấm lòng thành kính... Nhưng dẫu sao do đức tài hèn mọn của con không sao tránh khỏi những điều vụng dại, sơ suất phạm đến đức độ quan lớn, xin quan rộng lượng tha thứ, dạy bảo!..." 

Vị quan đang nhai nuốt miếng thịt quay chặt vuông vức to quá, kêu ự một cái mới tuột khỏi cổ, rồi nhấp liền nửa chén rượu, đặt chén xuống bàn rồi trừng mắt đã bốc men rượu đỏ ngầu, giọng ồm ồm đầy uy thế: "Hừm...hừm... thầy đón tiếp tôi trọng thể đấy...nhưng sao thầy lại chứa chấp, dạy dỗ đứa trò phản nghịch như vậy! Hừm...hừm...loại trò này lớn lên nó sẽ làm giặc chống nước Đại Pháp. Bởi thế cho nên, tôi ra lệnh: thầy đuổi nó ra khỏi trường học...hoặc là...tôi đuổi thầy ra khỏi vinh hạnh nhà giáo." 

Thầy Phác mất bình tĩnh: "Dạ, bẩm quan lớn, con...con đã nói, xin quan thứ lỗi, dạy bảo!... con cũng đã chết đứng vì cử chỉ vô lễ của thằng trò hư, thằng trò phản...phản nghịch đó: con mà biết trước có hành động hỗn láo, con đã đuổi nó ra khỏi trường học từ lâu rồi!... Bây giờ vâng lệnh quan, con sẽ đuổi nó ra khỏi trường ngay, con không bao giờ 'nuôi ong tay áo' để sau này nó làm loạn, chống lại nước Đại Pháp. Con thấu hiểu công đồ của nước Đại Pháp trong cuộc khai hoá văn minh, dạy dỗ những đứa trẻ ngu si đần độn này thành người có học thức là để phục vụ cho sự nghiệp lớn của nước Đại Pháp, tôn kính nước Đại Pháp. Đâu phải tốn công, phí sức nuôi mấy đứa phản nghịch!..." 

Quan thanh tra gật đầu, có phần khoái với những lời chí lý của thầy Phác. Nhưng quan cũng không quên răn đe, để tỏ uy quyền của mình: 

- Hừm...hừm...đã nói phải làm, lừa dối tôi chỉ có chết!...

- Thầy Phác đỡ lời nhanh:

- Dạ...con đâu dám ạ!...

- Quan thanh tra đưa chén rượu lên miệng nhắp một hớp, đặt chén xuống bàn, cao hứng nói:

- Tôi làm thanh tra hơn chục năm nay, không ai dối tôi được điều gì đâu! Và tôi không tha thứ cho bất cứ kẻ nào lừa dối, bao che, nuôi dưỡng những mầm mống nổi loạn... những bọn nổi loạn không thể làm nên trò trống gì đâu! Nền Bảo hộ của nước Đại Pháp ở Đông Dương, ở An Nam này là vững bền... là vĩnh viễn!... có đúng thế không ông thầy phụng sự nền khai hoá văn minh của nước Đại Pháp!?...

-  Thầy Phác gật đầu: Dạ, bẩm đúng ạ!... 

Quan thanh tra lại cao giọng: 

- Thầy cũng đã có nhiều đóng góp vào nền khai hoá văn minh của nước Đại Pháp. Ở cái tổng Thạch Loan hẻo lánh này của châu Văn Uyên cũng có trường tiểu học của nước Đại Pháp mở, do thầy Phác dạy... Tôi xin chúc mừng công lao đóng góp của thầy, chúc mừng thầy sức khoẻ để phụng sự, thầy cạn chén rượu đầy với tôi!... 

Thầy Phác cũng cầm chén rượu đầy của mình lên: 

-  Không dám, quan quá khen, sức hèn tài mọn của con so với công lao cao cả của nước Đại Pháp chẳng khác gì hạt cát giữa sa mạc mênh mông... con cũng xin chúc sức khoẻ quan lớn với tấm lòng thành kính, bái phục của con!...

- Bông....bồng.....uống.....uống.... 

Quan đưa tay sang thầy, thầy đưa tay sang quan, Quan thầy đều dốc cạn chén rượu mạnh, nóng rát cả ruột gan... nhưng cả hai đều cảm thấy cái giây phút khoái trá và thoả mãn... 

Nhưng rồi, suốt đêm thầy Phác không sao ngủ được, thao thức suy nghĩ cách đối phó sự trù úm của quan thanh tra, quyết định số phận của trò hoặc của bản thân mình!... Thầy nghĩ đến Thụ, lại càng cảm thấy yêu thương Thụ. Thầy Phác được bổ nhiệm về trường này dạy học đã ba, bốn năm nay, dạy Thụ từ khi chưa biết chữ. Nhưng Thụ học rất sáng dạ. Thụ học một tháng là đọc thông viết thạo. Thầy thấy ở Thụ là một học trò thông minh, lanh lẹ, lễ độ với thầy, thân với bạn bè, không gây gổ đánh nhau. Thụ được thầy quý, bạn yêu!... 

Thế mà lần đón tiếp vị quan thanh tra này, Thụ lại làm điều vô lễ, phản nghịch!... Thầy Phác nghĩ: "Thụ ghét mình, chơi khăm mình ư!?..."

Buổi học ngày hôm sau, thầy Phác cho học trò nghỉ sớm hơn mọi hôm, thầy gọi Thụ ở lại gặp thầy. Biết có chuyện, hầu hết bọn học trò giả vờ reo hò, chạy ùa ra cổng trường nhưng chúng lại lặng lẽ mò tới nấp bên cửa sổ lớp học rình nghe thầy Phác hỏi cung trừng phạt Thụ ra sao!?... 

Thầy Phác hỏi: 

- Thụ! Sao con không lạy chào quan thanh tra người Pháp! 

Thụ điềm nhiên trả lời: 

- Dạ, thưa thầy, con thấy lễ chắp tay vái lạy là để dành vái người thân thích khi qua đời còn việc đón quan đứng nghiêm nghị chào là lịch sự, là tôn trọng rồi!... Quan có phải người thân thích của con qua đời đâu mà con lạy!... 

Thầy Phác không trách Thụ, lại hỏi thêm: 

- Thế sao con không đọc thuộc lòng bài "Nước mẹ Đại Pháp"?... 

Thụ trả lời: 

- Dạ, thưa thầy, con thấy bài học thầy dạy không đúng!... Bảo nước Pháp là mẹ, nước An Nam là con, sao người con lại không giống bố mẹ!?... Con thấy người Pháp mắt sâu, mũi khoặm, tóc rối, cánh tay mọc lông!... Còn người An Nam mình thì lại mắt nông, mũi thẳng, sao con lại không giống bố, mẹ!?... 

Thầy Phác lặng người đi trước câu hỏi của Thụ. Thầy thở dài nói: 

- Thụ ạ!... Con lớn trước tuổi rồi đấy, nhưng con có biết rằng chính sự lớn khôn, ngang ngược của con đã tác hại đến con!... 

Thụ ngạc nhiên: 

- Thầy nói con chưa hiểu ạ!...

- Cử chỉ vô lễ của con đã xúc phạm đến thanh danh, uy quyền của quan thanh tra Pháp, con đã gây tội cho thầy!...

- Dạ, con gây điều gì tội lỗi cho thầy ạ!?...

- Con không lạy chào quan thanh tra Pháp, con không đọc bài "Nước mẹ Đại Pháp" đã gây tội cho thầy, quan trách chứa chấp trò hư, quan ra lệnh: "phải đuổi học con hoặc đuổi thầy..."

- Con không ngờ quan Pháp lại ác như thế! Con xin lỗi thầy, con đã làm nên tội gây liên luỵ đến thầy. Con xin thầy đuổi học con, vì tội do con gây nên. Con không được học thầy thì các bạn vẫn được học thầy!... 

Thầy Phác ứa nước mắt. Thầy ôm chầm lấy Thụ, xiết chặt trong lòng như trút cả nỗi niềm yêu thương cho Thụ... rồi thầy bồn chồn lo lắng thốt lên: "Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào bây giờ...?" 

Thụ nhìn thầy trìu mến và nói khẩn khoản, thiết tha: "Thầy cứ đuổi học con, đuổi học con để các bạn con còn được học thầy là con vui rồi!..."

Thầy Phác khó nghĩ quá! Chưa biết nên thế nào!... Trời sắp tối, thầy bảo Thụ cứ về nhà đã, để thầy còn tính xem sao!...

Lại một đêm thầy Phác thức trắng, suy nghĩ lao lung và đau lòng khi quyết định đuổi học Thụ. Ngày hôm sau, trước buổi học, thầy tìm gọi Thụ đang chơi ở trong đám bạn bè vào phòng thầy, nói với Thụ biết trước là hôm nay thầy sẽ đọc lệnh đuổi học Thụ và gửi giấy đó lên cấp trên. Thầy nói nhỏ với Thụ: "Chẳng qua thầy làm thế là tránh sự trừng phạt của quan... Thầy không có dã tâm nào mà đuổi học con... con vẫn là học trò của thầy, thầy sẽ dạy học con riêng ngoài giờ, thầy dạy tận tình, con thông minh sẽ học tiến tới nhanh, để cuối năm con thi lấy bằng tốt nghiệp tiểu học!..." Thụ ứa nước mắt, ôm chầm lấy thầy, nói đầy xúc động: "Con sẽ chăm học cho tốt, không phụ công ơn thầy!..." Thầy cũng quàng tay ôm Thụ, dạt dào tình cảm cha, con... 

Giấy mời bố Thụ ra trường gặp thầy là để thầy thông báo về việc thi cử của Thụ ra sao, và học tiếp thế nào!?... Thầy Phác gặp ông Hoàng Khải Lan, bố của Thụ, thầy khen Thụ: 

- Ông ạ, tôi dạy học đã lâu, dạy ở nhiều nơi, dạy nhiều trò, chưa gặp trò nào lại thông minh như Thụ. Mấy tháng trời tôi đuổi học nó để đối phó với sự trù úm của quan trên, tôi dạy riêng Thụ, mới thấy trí thông minh của Thụ. Có bài toán tôi vừa đọc cho Thụ chép xong đầu bài là nó đọc được đáp số ngay. Thấy vậy, tôi đặt những bài toán đố ứng đáp. Bài toán khó, Thụ chỉ yêu cầu khi đọc đầu bài xong cho phép được đi lại suy nghĩ. Thụ bước đi khoảng chục thước, khi quay lại là Thụ đọc đúng đáp số!... Thế mới giỏi chứ!... Tôi phục Thụ, tôi yêu quý Thụ lắm!... Được dạy học trò như Thụ thật là sung sướng!... Nhưng cũng nói thực với ông rằng Thụ đã học hết chữ của tôi rồi!... Tôi không còn đủ chữ để dạy Thụ nữa! Thụ thi tốt nghiệp vừa rồi đạt loại ưu đấy! Xem học bạ thấy môn nào Thụ cũng học giỏi, xin học trường tỉnh cũng dễ. Nhưng đến lúc ông phải lo khoản tiền lớn để bịt miệng, chuộc tội "vô lễ" quan trên của Thụ. Ở cái thời này đồng tiền đâm toạc tờ giấy mà, ông còn lạ gì!... Ngoài ra còn tiền ăn trọ học, tiền mua sắm quần áo tư trang. Ra tỉnh học trường trung học Pháp Việt là phải hào hoa phong nhã, không thể nhếch nhác như trẻ chăn trâu ở quê được nữa rồi ông ạ!... Tôi tin Thụ nên người đấy! Ông cho nó đi học không lo phí công của đâu!... 

Ông Lan tỏ lời cảm ơn công lao dạy dỗ của thầy và nhất là công lao giúp đỡ, cưu mang của thầy đối với con mình. Ông Lan mừng, nhưng cũng lo: "Thế thằng con trai của mình sẽ đi học xa nhà." Ông cảm thấy thân thương, quyến luyến nó hơn... 

Ông Lan bàn với bà Mùi, mẹ Thụ thương con, suy nghĩ lặng lẽ bao lâu, nhả bã trầu kiệt nước đi rồi mới nói: "Con nó học hết chữ thế này là được rồi! Nhà mình có ruộng, có vườn, có làm có ăn, để nó ở nhà gây dựng cơ nghiệp, chăm nom mình khi tuổi già sức yếu!... Tôi không mong con học cao để làm quan!... Làm quan thời này khó lắm! Được lòng quan thì mất dân! Được lòng dân thì mất quan! Như ông ngoại đấy, làm quan tri châu Điềm He được lòng dân thì mất lòng quan trên bị truất chức!..." Ông Lan không giải thích được ý câu nói của bà Mùi mà ông chỉ cảm thấy con mình học giỏi cứ để nó đi học đã. 

Bữa cơm chiều, cả nhà quây quần bên mâm cơm, ông Lan, bà Mùi và các con Khai, Dụ, Thụ, Lụ. Ông Lan lựa lời hỏi: 

- Thụ à, thầy Phác nói với bố là cho con ra tỉnh học, nhưng bố, mẹ thấy cả tổng có mỗi mình con đi học xa không bạn bè cùng quê, hay là con thư thả chờ sang năm có bạn thi đỗ sẽ cùng đi học con ạ!?... 

Thụ trả lời: 

- Con đi học ngay thôi, bố mẹ ạ! Việc học là của con, con đi học là con được chữ, bạn bè con có học thay con được đâu mà con chờ!... Bố, mẹ không lo con ra tỉnh lạ đất, lạ người đâu! Con biết Kỳ Lừa, chợ tỉnh rồi!... 

Mọi người trong nhà đều ngạc nhiên, bố Thụ hỏi: 

- Con đã lên tỉnh lần nào đâu mà biết?...

- Đầu năm, vợ thầy Phác ốm, con đã đi đến nhà thầy ở chợ tỉnh lấy thuốc về đưa thầy.

-  Một mình con đi à?

- Vâng, một mình con đi. 

Lụ hỏi Thụ:

- Anh đi đường rừng không sợ hổ à?

- Sợ gì, qua đường rừng Bó Ngần, Khum Phây bóng cây rậm rạp, âm u cũng hơi sợ... Nhưng đến Đồng Đăng được đi tàu hoả lên Kỳ Lừa thích lắm, đi nhanh lắm, sáng đi, chiều lại về nhà rồi...! 

Lụ lại hỏi:

- Thế anh không sợ quan Tây à?

-  Sợ gì nó, nó là người mình cũng là người! Mình sợ nó, nó xem khinh mình. Mình phải đứng thẳng làm người chứ!... 

Nghe Thụ nói hổ cũng không sợ, Tây cũng không sợ, được đi tàu hoả ra tỉnh về nhanh, Lụ thích quá hỏi: 

- Lần sau anh cho em ra tỉnh với? 

Cả nhà đang ăn cơm, ai cũng buồn cười tính hồn nhiên của Lụ. Ông Lan nói: 

- Mày học giỏi như anh mày thì được đi ra tỉnh. 

Lụ nói chân thật: 

- Con không được như anh Thụ con đâu!... 

Khai nói như an ủi Lụ: 

- Thôi, Lụ ạ, em học giỏi thì em lại đi khỏi nhà, còn ai cày ruộng nuôi bố mẹ về già em nhỉ! Em ở nhà thôi!... 

Dụ thương em trai quá, lại nói: 

- Con chỉ muốn Thụ cũng ở nhà, thì nhà ta mới đông vui!... 

Lời Dụ nói trúng tâm bà Mùi, bà Mùi nói: 

-  Ừ, mẹ cũng muốn thế!... 

Nhưng ý đó đều trái ý ông Lan, trái ý Thụ. Ông Lan nói: 

- Đừng có ai nghĩ giữ chân Thụ ở nhà, con chim mọc đủ lông đủ cánh nó phải bay xa, Thụ phải đi học!... 

Thế là bố, mẹ của Thụ bán đàn bò đang đông lấy tiền cho Thụ ra tỉnh học.

Tác giả: Hoàng Trung Thu

Đăng bình luận

Mới hơn Cũ hơn