Vào khoảng tháng 8 năM 1939, thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Xứ uỷ Bắc Kỳ triệu tập một số Đảng bộ tỉnh để phổ biến chủ trương phát triển cao trào Mặt trận dân chủ, đồng thời chuẩn bị điều kiện rút vào bí mật khi chiến tranh bùng nổ, thực dân Pháp dựa vào đó sẽ đàn áp mạnh phong trào của ta.
Là người luôn luôn đi sát phong trào, đồng chí Hoàng Văn Thụ sau Hội nghị đã căn dặn Đảng bộ Hà Đông chúng tôi mọi điều cần thiết để phát huy thành quả mà phòn trào ở Hà Đông đã giành được. Đồng chí còn lưu ý chúng tôi phải phát triển Đảng đến những nơi có sơ sở quần chúng mạnh để làm hạt nhân phong trào. Khi gặp tình thế khó khăn thì những hạt nhân này sẽ giữ vững tinh thần đấu tranh bất khuất trong quần chúng.
Khi cả Xứ uỷ Bắc Kỳ chuyển cơ quan vào Hà Đông để tránh địch, tôi lúc đó làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông đã trực tiếp đưa đồng chí Hoàng Văn Thụ về La Cả và bố trí ở nhà bà Đỗ Hoan, đồng chí đã ở lại đây mấy tháng. Ở La Cả, một trong những công tác quan trọng là bảo vệ cơ quan, ngoài nhiệm vụ tổ chức cơ sở Đảng, đồng chí Thụ đã trao đổi với tôi phải thành lập đội tự vệ. Thực hiện chủ trương của mình, đồng chí Thị đã bỏ thời gian ra dịch cuốn "Tổ chức du kích" để tuyên truyền, huấn luyện và tiến tới thành lập Đội tự vệ. Nhờ đó, Đội tự vệ của Hà Đông chúng tôi đã ra đời từ năm 1939. Lúc đầu làm các nhiệm vụ canh gác, đưa đường đón cán bộ hoạt động bí mật. Đồng chí Thụ là người đã được học quân sự ở nước ngoài nên đống chí đã trực tiếp huấn luyện Đội tự vệ này.
Cùng thời gian này, đồng chí Thụ đã chỉ đạo xuất bản tờ báo: "Giải Phóng" nơi phát ngôn của cơ quan Xứ uỷ. Cuối năm 1939, đầu năm 1940 tờ báo này ra được tới số thứ 2, truyền đạt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 thì bị lộ. Khẳng định tờ báo này là phương tiên tuyên truyền, tổ chức phong trào hết sức quan trọng của Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hạ quyết tâm và bằng mọi cách khôi phục lại tờ báo "Giải Phóng."
Năm 1940 phong trào cách mạng ở các tỉnh: Thái Bình, Nam Định bị vỡ, đồng chí Thụ có chủ trương đưa tôi xuống khu C2 gần gũi các tỉnh trên. Lúc đó tôi đang chờ làm thẻ thuế thân (của Pháp) thì đống chí Bí thư Thành uỷ Hà Nội bị bắt. Do đó, tôi lại được đồng chí Bí thư Xứ uỷ cử ra Hà Nội.
Lúc này cơ quan Thành uỷ bị vỡ do nhiều cuộc bắt bớ của giặc, ta nghi là có nội gián. Tôi ra Hà Nội hơn ba tháng trời mà vẫn chưa triệu tập được cuộc họp Thành uỷ. Mấy lần đã triệu tập các đồng chí lãnh đạo tới các địa điểm bí mật nhưng lần nào cũng bị theo dõi của mật thám, đành phải ngưng. Mãi đến lần thứ tư, phải chuyển về Đại Mỗ, Hà Đông, cuộc họp Thành uỷ Hà Nội mới thành. Cuộc họp quan trọng này, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tham gia chỉ đạo. Cuộc họp xoay quanh nội dung khẩn thiết: khôi phục bằng được các cơ sở Đảng bị phá, bắt liên lạc với những nơi bị mất tin tức, phát triển và xây dựng thêm một số sơ sở tin cẩn. Đánh giá tình hình đấu tranh trong thời gian qua để đẩy cuộc đấu tranh lên một bước mới cả chiều sâu và chiều rộng.
Thực hiện Nghị quyết của cuộc họp trên và chỉ thị của đồng chí Bí thư Xứ uỷ, phải mất ba tháng hết sức kiên trì chúng tôi mới củng cố được cơ quan Thành uỷ và bắt được liên lạc với cơ sở ga Hà Nội, công nhân, người làm bồi bếp trong các công sở và gây dựng phát triển phong trào trong thanh niên, học sinh.
Phải nói thời gian này đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn luôn theo dõi và giúp đỡ tận tình phong trào xây dựng Đảng và phong trào cách mạng ở hainơi là Hà Đông và Hà Nội. Từng bước lúng túng của chúng tôi đều được đồng chí uốn nắn và cho chỉ thị kịp thời. Nhờ vậy, hai năm 39, 40 là hai năm hết sức khó khăn nhưng phong trào ở hai nơi này vẫn được giữ vững, đặc biệt là ở Hà Đông.
Dương Nhật Đại - Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Hà Đông.
Đăng nhận xét