Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương phân công làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ tại hội nghị mở rộng ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) để bàn chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới, ngày 8 tháng 9 năm 1939.
Trên cương vị Bí thư Xứ uỷ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có công lớn trong việc đề xuất sáng lập báo “Giải phóng” làm cơ quan tuyên truyền của Xứ uỷ và đảm nhận vai chò chủ bút, thường xuyên viết bài cho báo với bí danh là Lý. Ngoài ra, đồng chí còn viết nhiều bài quan trọng cho báo “Cờ giải phóng” và “Tạp chí cộng sản.” Những bài viết, bài dịch của đồng chí về chủ nghĩa Mác – Lênin, về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã góp phần giác ngộ tinh thần cách mạng. Phương pháp, nguyên tắc hoạt động bí mật, đầy hiệu quả do đồng chí gây dựng đã giúp cho Đảng ta nhiều bài học bổ ích trong quá trình vận động, tổ chức phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước.
Cùng với việc chị đạo phong trào cách mạng nhiều tỉnh, đồng chí dành thời gian chỉ đạo củng cố Thành uỷ Hà Nội. Do nội phản, thành uỷ luôn bị phá. Từ năm 1939 đến năm 1941, đồng chí đã 10 lần khôi phục lại thành uỷ. Thành uỷ được phục hồi tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Trước sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ đã phải di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau thuộc địa phận các xã: Vạn Phúc, Đại phúc, Tây Mỗ, La Cả. Thượng Cát (Hà Đông), Ngô Nhuế, Yên Mỹ (Thuận Thành, Bắc Ninh), Đình Bảng (Tiên Sơn, Bắc Ninh). Những ngày tháng gian khổ, hoạt động gần gũi với các cơ sở cách mạng trung kiên, hình ảnh đồng chí Lý - người Bí thư Xứ uỷ tận tâm với nhiệm vụ, luôn chăm lo tới đồng chí, cơ sở phong trào đã để lại cho cán bộ, quần chúng những tình cảm trân trọng, quý mến như những người anh em ruột thịt trong gia đình.
Cuối tháng 12 năm 1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ được ban thường vụ Trung ương Đảng giao nhiệm vụ quan trọng, gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Tĩnh Tây (có tài liệu ghi Tịnh Tây) (Trung Quốc) để bàn việc tổ chức thống nhất các lực lượng cách mạng trong và ngoài nước. Đồng thời, xin chỉ thị về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Đây là lần đầu tiên đồng chí được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau khi nhận chỉ thị của Người, Đồng chí đã liên lạc với Tỉnh uỷ Cao Bằng chuẩn bị địa điểm tổ chức Hội nghị.
Sau công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Hoàng Văn Thụ là người đóng vai trò quan trọng trong việc đề ra chủ trương thành lập mặt trận Viêt Minh (5 – 1941), giữ vai trò quyết định tới thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 ở nước ta.
Tháng 11 năm 1940, tại hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 7 diễn ra tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, đồng chí cùng Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt được bầu làm Uỷ viên thường vụ Trung ương Đảng. Trường Chinh làm quyền Tổng Bí thư. Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, thực dân Pháp ở Đông Dương tăng cường đàn áp. Hàng ngàn đảng viên đảng Cộng Sản bị bắt giam. Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương rút vào hoạt động bí mật, đồng chí cùng Trường Chinh phải lặn lội đi nhiều tỉnh để chắp nốí trong cảnh vô cùng thiếu thốn và gian khổ.
Tại hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5 – 1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần giữ vững và phát triển lực lượng cách mạng. Trực tiếp chỉ đạo, củng cố phong trào Bắc Sơn, duy trì phát triển các đội du kích. Hoàng Văn Thụ đã dự hội nghị Xứ uy Bắc Kỳ họp tại làng Đông Lĩnh (Thanh Ba, Phú Thọ) và có nhiều ý kiến chỉ đạo về công tác củng cố, phát triển Đảng cũng như phát triển phong trào quần chúng cách mạng.
Từ cuối năm 1941, Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tích cực chỉ đạo phát triển các cơ sở quần chúng cách mạng trong công nhân, binh sĩ, cảm hoá, lôi cuốn được nhiều tần lớp khác nhau ủng hộ cách mạng, góp phần xây dựng cơ sở quần chúng ở những địa bàn quan trọng là Hà Nội, Hà Đông và Hải Phòng, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Trong số những sĩ quan, binh lính được đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp giác ngộ từ năm 1941 đến năm 1943, nhiều người sau ngày tham gia hoạt động cách mạng, trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội ta.
Với sự hoạt động nỗ lực, đầy trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo của Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng phát triển của Đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, củng cố được nhiều cơ sở Đảng ở Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh và Hải Dương. Sự phát triển vững chắc của các cơ sở Đảng tại các tỉnh đã đóng vai trò nòng cốt cho việc mở rộng và phát triển các phong trào cách mạng. Hoạt động rộng khắp trên nhiều địa bàn trong nước, nước ngoài, miền núi, đồng bằng, thành phố, trong hầm mỏ, nhà máy… của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện. Việc giác ngộ cách mạng được trong nhiều tầng lớp quần chúng khác nhau cho thấy sức ảnh hưởng sâu sắc của một cán bộ lãnh đạo tuy cao cấp nhưng gần gũi, bình dị giữa lòng dân.
Đăng nhận xét