Những ngày trong xà lim, nhận được quà bánh từ bên ngoài gửi vào, người cộng sản Hoàng Văn Thụ đều tìm cách chia hết cho anh em, đặc biệt là những phụ nữ. Ông cũng là một tấm gương về sự sẻ chia với những bạn bè, đồng đội trong những năm tháng chiến tranh gian khó… Những câu chuyện về ông được cụ Tạ Quốc Bảo - Trưởng Ban liên lạc Nhà tù Hỏa Lò - một bạn tù của đồng chí Hoàng Văn Thụ kể lại.
Luôn sẵn sàng nhường đồng đội
Ông Tạ Quốc Bảo kể, thời hoạt động cách mạng thì việc vất vả, đói khát là chuyện rất thường. Có lần, đồng chí Hoàng Văn Thụ đi cùng một người bạn vào một quán bún ven đường, ông gọi xin thêm rau sống tới… 3 lần. Ra khỏi quán, người bạn nhắc “Lần sau anh đừng như thế, người ta cười cho”. Lúc đó, người thanh niên Hoàng Văn Thụ mới đành tiết lộ “Nhưng tôi đói quá!”.
Ông Tạ Quốc Bảo – Trưởng Ban liên lạc Nhà tù Hỏa Lò – người kể chuyện. |
Người bạn đi cùng ngỡ bạn mình không còn tiền nên đành làm thế. Nhưng thật không ngờ, đến tối hôm ấy, đồng chí Thụ lấy tiền trong túi ra để chia cho anh em.
Theo sự hồi tưởng của ông Tạ Quốc Bảo, những ngày trong xà lim của nhà tù Hỏa Lò, mặc dù biết rằng cái chết đã kề cận, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn tập trung sáng tác các tác phẩm lý luận, kinh nghiệm vận động công nhân, phụ nữ, vận động binh lính… Khi ấy, nghe tin có một số đồng chí định tìm cách giảm án cho mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nhắn: “Các anh em đừng tốn tiền vô ích”.
Trong nhà lao, thi thoảng có quà bánh từ bên ngoài gửi vào, đồng chí Thụ cũng chia cho anh em phần nhiều hơn, khuyên anh em ăn để còn có sức chiến đấu.
Những cuộc giải cứu không thành và câu chuyện trước giờ ra pháp trường
Ông Tạ Quốc Bảo kể lại, trong thời gian đồng chí Hoàng Văn Thụ bị bắt giam, nhiều đồng chí đã tìm cách giải thoát cho ông nhưng không tìm được cơ hội thuận lợi. Được tin sáng 24.5.1944, giặc Pháp sẽ đưa ông đi xử bắn, ngay lập tức một kế hoạch táo bạo “cướp tù” nhằm đánh tháo đồng chí Hoàng Văn Thụ được các đồng chí của ta vạch ra.
Ông Bảo vẫn nhớ, ngày đồng chí Thụ ra pháp trường, khi xà lim mở cửa, đồng chí Thụ bị 2 hàng lính kèm sát. Quan tòa, cố đạo đã chờ sẵn. Được mời hút thuốc lá, đồng chí Thụ bình thản cầm hút. Một mật thám hỏi: “Giờ phút này ông có ân hận điều gì không?”
Đồng chí Hoàng Văn Thụ đáp một cách đanh thép: “Không có gì phải ân hận cả. Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi – những người mất nước và các ông – những kẻ cướp nước thì sự hy sinh của những người như tôi là dĩ nhiên. Chỉ biết rằng, cuối cùng chúng tôi sẽ thắng!”
Cố đạo hỏi ông: “Anh có muốn rửa tội không?”
Tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ tại thành phố Hải Phòng. |
Đồng Chí Hoàng Văn Thụ nói: “Cảm ơn ông, tôi không có tội gì. Nếu yêu nước, cứu nước mà có tội thì những người Pháp hiện giờ đang đấu tranh chống phát xít Đức bên nước ông đều là có tội cả. Ông hãy về hỏi xem họ có tội gì không?”
Theo kế hoạch lúc đó, xe chở tù của nhà giam Hỏa Lò sẽ đi qua ngã tư Trung Hiền xuống trường bắn Tương Mai thì một người sẽ giả vờ ngã xe đạp cản đường ô tô để xe dừng lại. Lúc đó quân ta sẽ tiến hành theo kế hoạch…
Tuy nhiên, trên đường dẫn ra pháp trường, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã lắc đầu và ra hiệu nhìn xuống chân. Ông không chỉ bị giặc khóa tay mà còn bị cùm cả chân vào sàn xe. Ông Bảo đoán, có lẽ đồng chí Hoàng Văn Thụ biết tình hình không thể chạy thoát nên đã ra hiệu dừng lại để tránh tổn thất thêm về người cho đồng đội mình.
Không giải cứu được đồng chí của mình như kế hoạch ban đầu, nhóm giải cứu vẫn không bỏ cuộc. Lúc ấy, đồng chí Lê Thị Thanh (tức An) trực tiếp chỉ huy cuộc giải cứu. Đồng chí Thanh và các anh em khác đã hội ý nhanh và đổi chiến thuật là cứu đồng chí Thụ ngày tại cổng trường bắn khi chúng vừa tháo xích để giải vào trường bắn.
Khi ấy, bên ngoài trường bắn dân chúng tập trung đông nghịt. Tuy nhiên, xe chở đồng chí Hoàng Văn Thụ đã không dừng phía ngoài như thường lệ mà chạy thẳng vào phía trong. Một lần nữa, kế hoạch giải cứu bị đổ bể.
6h sáng, đúng lúc mặt trời lên, đồng chí Hoàng Văn Thụ đứng hiên ngang không cho quân thù bịt mắt và hô vang: “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!”.
Sau những tiếng súng chát chúa của kẻ thù vang lên, người lính ấy ngã xuống trong sự đau xót của đồng đội. Đoàn giải cứu tiếp tục tìm cách mua chuộc những tên lính trong trường bắn để một người dân tốt bụng gần trường bắn được nhận nhiệm vụ đào mộ chôn đồng chí Thụ.
Một ngôi mộ vẫn được lấp đầy còn thi hài đồng chí Hoàng Văn Thụ đã được bí mật đưa về chôn cất tại Thanh Xuân.
Sau này, khi Nghĩa trang Mai Dịch được xây dựng, hài cốt của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã được đưa về đây.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909 – 1944) là một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã hoạt động sôi nổi từ thời kỳ vận động thành lập Đảng và thời kỳ Đảng lãnh đạo chuẩn bị lực lượng, thúc đẩy thời cơ, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ra trong một gia đình người Tày ở Lạng Sơn. Ông bị bắt năm 1943 và bị tòa án binh của Pháp kết án tử hình cuối năm 1943. Khi mới bị bắt, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị tra tấn dã man trong 8 ngày 8 đêm liền nhưng đồng chí vẫn một mực không khai các thông tin gây hại cho đất nước. Trong khi chờ thi hành án, ông bị giam tại nhà tù Hỏa Lò.
Phượng Hoàng lược ghi/daibieunhandan.vn
Đăng nhận xét