Tại bản Nà Han, xã Tri Phương, huyện Tràng Định hiện nay vẫn còn lưu giữ được ngôi nhà sàn của cụ Bế Văn Ca và Bế Thị Thiềm - những người từng nuôi giấu đồng chí Hoàng Văn Thụ và nhiều cán bộ cách mạng ngay từ những ngày đầu đồng chí Hoàng Văn Thụ về hoạt động tại xã Tri Phương, huyện Tràng Định.
Ngôi nhà cụ Bế Văn Ca – Bế Thị Thiềm. |
Ông Bế Trình – cháu đích tôn của cụ Bế Văn Ca, Bế Thị Thiềm cho chúng tôi biết: Vào khoảng những năm 1935-1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã về xã Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương) huyện Tràng Định, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho nhân dân ở đây. Trong một lần cụ Bế Văn Ca lên Lủng Khẩu (dưới chân hang Cốc Mười) lấy cây về làm trạm chứa rơm tích trữ cho trâu ăn qua mùa đông, cụ đã gặp Hoàng Văn Thụ. Qua trò chuyện, cụ biết anh Thụ về đây hoạt động cách mạng, nhưng phải tìm củ mài, quả rừng… ăn qua ngày. Cụ mời anh Thụ ăn nắm “cơm lèng” cụ mang theo và hẹn hôm sau sẽ lại bí mật mang cơm và cả gạo lên cho. Nhưng việc làm đó chỉ được hai, ba hôm, không thể kéo dài được. Việc ông bí mật lấy gạo đi cũng không qua được mắt bà. Biết chuyện, bà bảo ông chỉ đường cho cán bộ khi đến bữa thì men núi xuống nhà ăn cơm. Được gia đình cụ Bế Văn Ca, Bế Thị Thiềm giúp đỡ, đồng chí Hoàng Văn Thụ thuận lợi hơn trong hoạt động cách mạng. Sau thời gian gây dựng và phát triển phong trào, ngày 11/4/1938, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Tràng Định đã thành lập tại Pác Lùng, Ký Làng, Nà Han, xã Phi Mỹ (Tri Phương). Chi bộ gồm 7 đồng chí: Bế Văn Bính, Hoàng Kim Sơn, Hoàng Văn Cường, Hoàng Văn Bản, Mã Văn Ngân, Hoàng Váy Thao, Triệu Dín Nê, do đồng chí Bế Văn Bính làm Bí thư.
Phong trào cách mạng địa phương ngày càng lên cao thì những cán bộ cách mạng đến nhà cụ Bế Văn Ca, Bế Thị Thiềm ăn cơm hằng ngày cũng càng nhiều. Nhất là trước và sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8 họp tại Pác Bó – Cao Bằng (tháng 5/1941), ngôi nhà cụ Bế Văn Ca, Bế Thị Thiềm là cơ sở đưa đón, nuôi dưỡng cán bộ của Đảng từ dưới xuôi lên dự họp và trở về xuôi. Hang Cốc Mười ở Nà Han cũng được Trung ương chọn đặt xưởng in tài liệu cách mạng. Nhiều cán bộ Trung ương qua đây hoạt động đều được gia đình che giấu, nuôi dưỡng như các đồng chí: Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri, Chu Văn Tấn, Lê Dục Tôn, Hoàng Minh Thảo, Hoàng Văn Hoan…
Gia đình có hơn 6 mẫu ruộng cấy 2 vụ nhưng vẫn phải bí mật mua thêm nhiều thóc gạo để nuôi dưỡng cán bộ. Không chỉ nuôi giấu cán bộ, cụ Bế Văn Ca, Bế Thị Thiềm còn cho cả cô con gái lớn là Bế Thị Ngôi làm nhiệm vụ liên lạc, đem tài liệu của Trung ương từ Hà Đông lên in và tài liệu đã in rô-nê-ô và in đá từ đây xuống Hà Đông để phát hành… Sau cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1947, giặc Pháp tái chiếm Lạng Sơn, tái chiếm các huyện dọc đường số 4. Xã Phi Mỹ (Tri Phương) bị giặc Pháp lập đồn chiếm đóng ở Bản Me. Ngôi nhà của ông, bà Bế Văn Ca, Bế Thị Thiềm lại là nơi nuôi giấu cán bộ của ta hoạt động, kháng chiến chống Pháp…
Mặc dù gia đình cụ Bế Văn Ca, Bế Thị Thiềm đã cố gắng giữ bí mật nhưng bọn địch đánh hơi thấy đã nhiều lần gây khó khăn cho gia đình. Thời kỳ những năm 1948, 1949, ông bà Bế Văn Ca, Bế Thị Thiềm từng bị giặc bắt giam, quản thúc tại thị xã Lạng Sơn. Ngôi nhà của ông bà đã bị đốt cháy 2, 3 lần. Gia đình phải nhiều lần làm lại để ở.
Sau ngày hòa bình lập lại, gia đình ông Bế Văn Ca, Bế Thị Thiềm đã được Nhà nước tặng “Bằng có công với nước”, cụ bà Bế Thị Thiềm – người trực tiếp nuôi giấu cán bộ và tham gia hoạt động cách mạng đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Bà Bế Thị Ngôi, con gái của 2 cụ cũng được công nhận là cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa và được trao tặng Huân chương Độc lập. Khi còn sống, 2 cụ thường được đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng và lãnh đạo tỉnh gửi quà tặng nhân dịp Quốc khánh 2 – 9 hằng năm và được mời về thăm thủ đô Hà Nội. Một số hiện vật đồ dùng hằng ngày của gia đình dùng nuôi giấu cán bộ như: nồi nấu cơm, bát đũa, giần sàng gạo,… đã được Bảo tàng cách mạng Việt Nam đưa về Hà Nội lưu giữ, trưng bày…
Hiện nay, gia đình ông Bế Trình (cháu cụ Bế Văn Ca, Bế Thị Thiềm) đã xây dựng ngôi nhà mới khang trang, nhưng ngôi nhà cũ từng nuôi giấu đồng chí Hoàng Văn Thụ và nhiều cán bộ cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa vẫn được gia đình giữ lại như một kỷ niệm thiêng liêng. Một số tổ chức, đoàn thể địa phương (như Hội Cựu Chiến binh) đã có đơn đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh sớm nghiên cứu, bảo tồn và công nhận ngôi nhà là di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng của địa phương.
Hữu Sơn - baolangson.vn
Đăng nhận xét