Hoàng Văn Thụ - Người chiến sỹ kiên trung

Giữa lúc phong trào cách mạng đang lên đà mạnh mẽ, trong khi đang vận động các binh lính, do bị chỉ điểm, Hoàng Văn Thụ bị bắt ngày 25 tháng 8 năm 1943 tại ngõ Nam Diện khu Tám Mái (Hà Nội).


Trong lao ngục: Ý trí chiến thắng mọi đòn roi, cực hình của nhà tù thực dân. 

Bắt được Hoàng Văn Thụ, biết đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng ta, phủ toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách phải công khai cơ quan đầu não của Đảng. Trước mọi thủ đoạn tra tấn dã man và thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc của địch, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn vững vàng trong tư thế hiên ngang của người chiến sĩ công sản. 

Đòn roi, cực hình của quân thù chẳng những không khuất phục được đồng chí mà nó còn như tiếp thêm lòng căm thù, sức mạnh để người chiến sĩ cộng sản này tiếp tục chiến đấu, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng phía sau song sắt chốn lao tù, khi trên mình vẫn còn mang xiềng xích. Trong nhà lao của thực dân Pháp, đồng chí truyền thụ nhiều lí luận cách mạng và nêu cao tinh thần bất khuất cho các đồng chí trong ngục. Hoàng Văn Thụ mở cuộc tranh luận với các thủ lĩnh Đảng Đại Việt làm họ thấy chủ trương đúng đắn của Mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp - Nhật do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Đồng chí tranh thủ cảm hoá giám ngục, binh lính trong tù, nhiều người trong tù rất kính phục đồng chí. 

Hoàng Văn Thụ bị nhiều đòn tra tấn rất nặng. Theo tài liệu của Ban nhiên cứu lịch sử Việt Nam, ông bị hơn 20 trận tra tấn, nhiều trận kéo dài từ 9 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Tuy nhiên, thực dân Pháp không thể khuất phục được đồng chí. Trong thời gian chịu đòn tra tấn đồng chí vẫn ôn tồn thuyết phục, tuyên truyền cho sự hợp tác giữa những người Pháp và người Đông Dương trong việc chống lại phát xít Nhật. 

Ra pháp trường: Ung dung, ngẩng đầu cao trước kẻ thù và mũi súng. 

Sáng ngày 24 tháng 5 năm 1944, thực dân Pháp mang đồng chí ra xử bắn. Đồng chí ung dung ra pháp trường Tương Mai. Khi giám thị hỏi đồng chí có cần bịt mặt hay không, đồng chí trả lời không cần. 

Quan toà hỏi đồng chí có cần nói lời cuối cùng, Hoàng Văn Thụ nói: 

“Trong cuộc đấu tranh sinh tử, giữa chúng tôi – những người mất nước và các ông - những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng.” 

Cha cố hỏi đồng chí có cần rửa tội gì hay không, Hoàng Văn Thụ đáp: 

“Cám ơn ông, tôi không có tội gì. Nếu yêu nước, cứu nước mà có tội thì những người Pháp hiện giờ đang đấu tranh chống phát xít Đức bên nước ông đều là có tội cả. Ông hãy về hỏi họ xem có tội không?” 

Trong tư thế của một người chiến thắng, trước loạt súng hung bạo của kẻ thù, đồng chí Hoàng Văn Thụ giơ cao hai nắm tay còn bị xích hướng về phía mặt trời đang lên, dồn sức hô vang lời bất tử: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!” 

Hoàng Văn Thụ đã ra đi, nhưng hình ảnh, tấm gương sáng ngời của đồng chí mãi được lưu truyền trong sử sách, luôn sống trong tiềm thức của những người chiến sĩ cộng sản đương thời nói riêng và lớp lớp người Việt, đặc biệt là người dân Sứ Lạng quê hương anh nói chung.

Đăng bình luận

Mới hơn Cũ hơn