Nơi tổ chức Lễ truy điệu đồng chí Hoàng Văn Thụ

Theo chỉ đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Lễ truy điệu đồng chí Hoàng Văn Thụ được tổ chức tại A-T-K Vạn Phúc, vào trung tuần tháng 11 năm 1944. Ngôi nhà của bà Đỗ Thị Tý, một cơ sở tin cậy của Xứ uỷ, có địa thế tiến lui thuận lợi, vừa diễn ra Lễ kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga, lại được chọn làm địa điểm tổ chức Lễ truy điệu.

Làng Vạn Phúc, Hà Tây (nay là Hà Nội) - An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ thời kỳ 1939-1945. (Ảnh tư liệu BTLSQG).

Một nấm mộ đặt ở giữa nhà, thắp hương trầm và 7 ngọn nến. Bốn đồng chí tự vệ bồng súng và mã tấu, đứng hai bên làm đội danh dự. Khoảng 200 đảng viên, quần chúng cứu quốc và một số gia đình cơ sở đồng chí Hoàng Văn Thụ đã ở, theo mật hiệu, đã bí mật từ Cầu Am, khu cửa Chùa đến cổng làng và các ngõ xóm dọc bờ sông. Đồng chí Hà Xuân Tý, Tỉnh uỷ viên lâm thời, Bí thư Chi bộ đã đọc điếu văn, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và lời nói đanh thép của đồng chí Hoàng Văn Thụ ở pháp trường, thể hiện khí phách anh kiên cường của một chiến sỹ cộng sản kiên chung: "Trong cuộc đấu tranh sinh tử của chúng tôi, những người mất nước với các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng." 

Không khí lễ truy điệu đặc biệt xúc động, khi một đồng chí cán bộ Xứ uỷ đọc bài thơ "Khóc anh Hoàng Văn Thụ": 

"Tiếng súng thét, anh Hoàng Văn Thụ

Thân đổ nghiêng, máu đỏ tràn

Pháp trường ảm đạm màu tang

Cây rung hạt lệ khóc trang anh hùng"... 

Và: 

"Anh Thụ ơi! Kìa xem vôn vạn

Lớp hồng binh ngạo mạn tưng bừng

Tuốt gươm thề thốt vang lừng

Gương anh Hoàng Văn Thụ ta cùng noi theo

Cờ khởi nghĩa bay vèo trước gió

Đoàn quân đi cây đổi núi rung

Xông pha rửa nhục non sông

Và cùng rửa hận Anh hùng Việt Nam..." 

Bài thơ, lập tức được truyền bá sâu rộng trong quần chúng cách mạng Vạn Phúc và các vùng lân cận thuộc tỉnh Hà Đông, Sơn Tây... 

Hơn ở đâu hết, hình ảnh anh Lý, mật danh của anh Hoàng Văn Thụ khi về hoạt động ở Vạn Phúc từ năm 1939 đến năm 1943 đã rất gắn bó thân thiết với người dân quê lụa. Để che mắt bọn mật thám, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cải trang thành thợ dệt, thợ xây, người hoạn lợn. Chỗ ở cũng được thay đổi 7 lần, khi là nhà bà Nguyễn Thị Tín, Nguyễn Thị Mão, Nguyễn Thị Nhiêu, khi là nhà ông Nguyễn Văn Chắt, Đỗ Văn Ty, Nguyễn Văn Đản, Nguyễn Văn Hành. 

Với trọng trách Bí thư Xứ uyt, hoạt động trong hoàn cảnh bí mật ngặt nghèo, đồng chí vẫn tranh thủ dành thời gian trực tiếp bồi dưỡng, hướng dẫn cho Chi bộ Vạn Phúc kinh nghiệm về tuyên truyền, vận động, tổ chức các đoàn thể quần chúng cách mạng, xây dựng lực lượng  tự vệ, bảo mật phòng gian và công tác phát triển Đảng. 

Đối với vợ chồng bà Đỗ Thị Tý, đồng chí đã trở thành người thân thiết trong gia đình. Cả hai ông bà đều được đồng chí tuyên truyền giác ngộ và đã trở thành cơ sở nòng cốt, tin cậy của Xứ uý. Từ năm 1942, ngôi nhà của ông bà cũng chính là địa điểm liên lạc của các đồng chí Trần Tử Bình, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn trần, Nguyễn Thọ Trần, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Khang, Trần Thị Minh Châu. Chồng bà Đỗ Thị Tý, ông Tư Nghi là một người tính tình hiền lành, chất phác, có phần hơi chậm chạp, được đồng chí đặt tên mới là Tư Hoả để luôn tự nhắc nhủ phải rèn thêm đức tính linh hoạt, tháo vát, thích ứng nhanh trong điều kiện hoạt động mật. Từ đó, tên Hoả đã chính thức trở thành tên ghi trong lý lịch của đồng chí cựu Bí thư Thị uỷ Hà Đồng. 

Đó thực là niềm vinh hạnh và kỷ niệm sâu sắc đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dành cho chi bộ và quần chúng cách mạng Vạn Phúc. 

Đúng như lời hứa trước anh linh đồng chí, Bí thư Xứ uỷ biến đau thương thành hành động cách mạng, được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ và Tỉnh uỷ Hà Đông, Chi bộ Vạn Phúc kết nạp thêm 6 đảng viên "Lớp Hoàng Văn Thụ," các đoàn thể cứu quốc được củng cố và phát triển tới 300 hội viên, hai trung đội tự vệ, đội danh dự trừ gian được thành lập, huấn luyện và trang bị vũ khí, sẵn sàng chờ lệnh. 

Đúng 12 giờ đêm ngày 16 tháng 8 năm 1945, Vạn Phúc đã mở đợt phá khẩu trong toàn tỉnh, mau lẹ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, theo đúng kế hoạch và phương án đã định. Sáng 17 tháng 8 năm 1945, tại sân đình lịch sử, rợp biểu ngữ và cờ đỏ sao vàng, Uỷ ban cách mạng ra mắt, trịnh trọng tuyên bố chính sách Việt Minh, trong tiếng hô vang dậy của hàng nghìn quần chúng cách mạng...

Ngôi mộ của đồng chí Hoàng Văn Thụ tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.


Đào Ngọc Trung

Đăng bình luận

Mới hơn Cũ hơn