Thụ đi chăn trâu thường hay gặp Mảy đi nương, đi hái củi. Mảy giúp Thụ hái củi, bó cho Thụ gánh củi đẹp. Thụ hái quả trên cây cao, hái nấm ở rừng sâu chia phần cho Mảy. Thụ, Mảy biết giữ ý không cho bọn con trai và con gái biết hai người thân nhau. Bọn nó biết lại trêu: hai đứa “điếp căn” (yêu nhau) hoặc đồn đại gán ghèp “pò mè” (vợ chồng) thì thẹn lắm…
Thụ, Mảy, Kể, Tự, thả trâu, bò vào rừng hồi Pá Làng. Ở thung lũng ấy, một bên là rừng hồi, một bên là bãi nứa, bãi vầu dày đặc. Ở thung lũng có vô vàn loại hoa quả, mùa nào thức ấy, lá xắm chá (chua chát), mác phầy (dâu da) mác nầm bò (quả sữa bò), mác mầu, mác pàn mạ… Thụ cùng bạn leo lên dây cây sữa, bò lên một cây gỗ cao ở Khau Thiêng, hái những chùm quả sữa bò chín đỏ ăn, thơm ngon như chuối chín. Thụ cất vào tay nải một chùm quả to, mọng đem về nhà dành phần bố, mẹ các chị và em trai. Bọn trẻ trăn trâu, ăn quả chán lại hái rau, hái nấm. Về chiều lại xuống khe nước chảy róc rách, trong veo câu pa lằn (bống). Câu bống không cần lưỡi câu, chỉ cần đem theo một đoạn chỉ, hay tước cây khau cát láy dây buộc mẩu giun nhỏ thả xuống nước, là bống nấp ở tảng đá lao ra đớp mồi. Cứ thế nhấc lưỡi câu lên, lấy nón hứng để bống tụt khỏi mồi rơi xuống nón. Câu một chốc là được bữa bống, con bống bằng ngón tay tròn lẳn, rán mềm, thơm ngon hơn nhiều loại cá khác… Thụ lại rủ các bạn hái nứa khô về làm đuốc soi bắt châu chấu, muồm muỗm. Khi đã buộc ngựa vào tàu, xuống then cửa chuồng trâu, Thụ lên lạn nước rửa tay, rửa mặt, rửa chân rồi vảo bếp. Thấy mẹ đang xào rau Thụ hỏi:
- Xào rau gì hở mẹ?
Mẹ Thụ đang cầm bàn sản đang đảo rau, ngẩng lên nhìn Thụ bảo:
- Con về rồi à! Mẹ xào đỗ xanh với măng chua thôi!...
- Thế không có món thịt, cà nào hả mẹ?
- Qua đâu lấy được thịt cá mãi “nựa mì kha, pa mì pín” (thịt có chân, cá có vây) cá đánh ở ao, bữa sáng ăn hết rồi!... “pin khẩu đuổi nựa đuổi pa điu lòn bố lắp tha!... kin khẩu đuổi thưa đuổi phắc đin nòn lựt cắt thân lùng!...” (ăn cơm với thịt cá giấc ngủ không nhắm mắt!... ăn cơm với muối với rau giấc ngủ say suốt sáng!...)
- Mẹ cứ nói thế, con thấy ăn cơm với thịt với cá là ngủ say hơn.
- Nhưng bữa cơm không có thịt, cá thì không nuốt được cơm, nhử không say! Còn người ta ăn cơm muối, cơm rau lúc nào cũng ăn được cơm, lúc nào cũng ngủ ngon!...
- Vâng, bữa khác con ăn rau, bữa này con ăn cá cho ngon cơm đã.
- Đi đâu lấy?
Mẹ Thụ nhìn gói lá, còn chưa tin là gói cá:
- Thật à con?
- Thật mà, pa lằn đấy! Con câu ở lọ (khe) Pà Làng mà!...
- Ờ… ờ đúng thật! Pa lằng béo mập quá! Để mẹ rán ngay!...
- Con còn hái được nấm, được quả nữa này, mẹ ăn quả đi, quả sữa bò ngon lắm!...
- Ờ, để đấy, mẹ ăn cơm xong mới ăn quả, ăn qủa trước, ăn cơm nhạt miệng đấy!...
Thụ làm nũng mẹ tí chút:
- Mẹ ơi! Con dói bụng lắm rồi… con xới cơm ăn trước một bát nhé!?...
- Nồi cơm mới vần than chưa chín con ạ!... Mở vung mất hơi, cơm sượng đấy!... Con chờ chút nữa để mẹ rán cá, cơm vừa chín, chờ bố con về, chị em về ăn một thể! Đói ăn lại càng ngon miệng con ạ!
Thụ “vâng” một tiếng, rồi lên nhà trong lục tìm đống trai ở gần bàn thờ. Toàn loại chai nhỏ, lấm bụi mốc thếch. Tìm mãi, Thụ mới thấy một cái trai ít sạch trong, còn đựng rượu đến nửa, cái trai này miệng rộng dễ nhét châu chấu vào, và cũng dễ dốc châu chấu ra. Thụ nhấc chai lên, định rót rượu vào một cái trai nửa lít, thì bị quát:
- Mày làm gì?... Uống trộm rượu à?...
Bị quát đột ngột, Thụ giật mình nhưng trấn tĩnh lại ngay:
- Con lấy cái chai to này để đêm nay đi soi bắt châu chấu ở ruộng Pò Râm có cái đựng để đem về bố nhắm rượu!...
Bố Thụ vốn tính rất nghiêm khắc, nhưng thấy con trai nói đúng sở thích của mình, mừng thầm trong bụng: “thằng này khôn ngoan, có hiếu thật!”
Rồi ông bảo con:
- Ờ, lấy thì lấy! Nhưng chai còn rượu, đưa chai để bố rót rượu vào bụng đã!...
Thụ đưa chai rượu cho bố. Bố Thụ cầm chai rượu đưa lên miệng uống ừng ực, định làm một hơi hết sạch. Thụ giằng chai ra khỏi miệng bố:
- Bố uống nhiều thế!... Còn để phần nhắm với châu chấu rang!...
- Hết lại mua, ở Phú Lảu (phố rượu) thiếu gì rượu!...
- Uống nhiều vỡ tim ra đầy bố ạ!...
Bố Thụ cười khà khà…
- Tim bố phải luôn luôn được rượu thì mới khoẻ!...
- Bố nói sai rồi, uống rượu nhiều chết sớm đấy, bố lại quên tháng trước bố say rượu ngã xuống mương, không gặp người vực dậy, thì bố chết, bỏ chúng con rồi! Bố không uống rượu nhiều nữa, còn từng đây, con rót vào chai nhỏ để dành bố nhắm với châu chấu rang!...
Bố Thụ gật đầu:
- Ờ, được… được!...
Ruộng rạ nếp Pò Râm cao ngang mặt người, qua một đêm bọn trẻ săn bắt châu chấu đã đổ rạp thành từng luồng. Lại thêm ngày hôm sau thả trâu quần nát ruộng nham nhở, còn sót lại từng đám, từng búi cao.
Đêm sáng trăng, đêm tháng chín lành lạnh. Thụ cùng bọn trẻ chơi chò đánh trận giả. Vũ khí là một cái que làm kiếm. Bọn trẻ chia làm hai tốp, một tốp dân bản, một tốp bọn cướp. Bản đặt giũa ruộng Pò Râm. Thụ chia quân dân bản ra thành ba tốp. Một tốp hai người giữ bản (bản tượng trưng bằng những gọc rạ chụm lại thành lều. Một tốp gác xung quanh bản. Còn một tốp đi mai phục. Sau khi ra lệnh cho các tốp, Thụ trực tiếp dẫn đầu đi mai phục, chủ động chặn đánh bọn cướp từ xa. Có khi còn bò sát hang ổ của bọn cướp, nghe trộm bọn cướp bàn tàn với nhau về cách cướp bản. Nên bon cướp hí hửng tưởng cướp được bản, lại tự dẫn cổ vào tròng!...
Tiến sáo miệng nổi lên: “Vít…Vít…Vít…”. Cuộc đánh trận băt đầu!...
Hai bên rình mò, lấn từng gốc rạ. Ánh trăng lờ mờ. Bóng người như bóng ma ẩn hiện, lén thoắt từ gốc rạ này sang gốc rạ khác, đối phương thật khó phát hiện, đang nấp, đang rình, không khéo lại bị đối phương phát hiện, chém cho một nhát “kiếm cây” và kèm theo tiếng hét “chết rồi” là kẻ bị chém ngã xuống…
Thụ cầm quân ở bên chính hay bên tà trong trò trận giả thì Thụ cũng không bị “chết”, và bên quân của Thụ đều thắng. Bọn trẻ nhà Thụ là “mệnh cứng”, mũi tên, hòn đạn không thể chạm vào chân!... Nhưng đâu phải thế!... Thụ chỉ khéo léo kết hợp lòng quả cảm với óc mưu trí, tai nghe thính, chân tay nhanh nhẹn…
Thụ cho tốp mai phục tản đi ra đón các hướng bọn cướp có thể lấn tới. Còn Thụ tách riêng ra một phía, nấp vào bụi rạ mắt căng ra nhìn xung quanh, lắng tai, nghe động tĩnh… Cứ thế, chờ khá lâu, Thụ nghe tiến động lẹt xẹt ở đám rạ trước mặt, cách độ chục sải tay. Thụ nghĩ: “Tiến động khẽ quá! Hay là lũ chuột đồng bò đi ăn thóc!?...” Lại không nghe thấy tiếng động nữa. Có mùi mồ hôi chua khắm bay lại như mùi măng chua khú, Thụ biết: “À, thằng Văn rồi, Văn béo ỵ lười tắm giặt, quần áo nó bết nhét nhầy đen như miếng lót tai chảo. Bạn bè không dám bá vai, bá cổ nó!...” Rõ là nó bò lên trước mặt Thụ. Thụ cố chờ đầu nó mò đến gần sẽ phang một nhát kiếm vào thân nó, cùng với tiềng hô “mày chết!”. Nhưng quái lạ, Thụ chờ nóng cả ruột gan mà chưa thấy nó mò tới, Thụ nghĩ: “Hay là nó biết mình đang rình nó. Không, nó chưa thấy mình, tính thằng này nhút nhát, nó không dám tiến, nó chỉ chờ sẵn đấy, khi bên nó gặp thuận lợi, có lệnh hô xung phong nó mới mò theo sau!?..,” Thụ định bắt thằng này, Thụ giả vờ chưa biết nó nấp trước mặt mình, cố ý bước lên. Y như rằng, khi Thụ vừa bước qua gốc rạ nó nấp, thì bị một lưỡi kiếm chém vào vai thụ cùng tiến hét “chết rồi!” nhưng Thụ kịp thời vung kiếm chắn. Cái “Kiếm que rào” khô giòn của kẻ cướp chạm vào “Kiếm tre tươi” của Thụ liền gãy văng đi. Thụ giáng kiếm vào sườn kẻ cướp có vẻ mạnh, nhưng nương nhẹ theo kiểu: “Giơ cao đánh khẽ” và thét lên: “Chết này. Mày chết hay tao chết?” Đối thủ kêu lên: “Á, á… tao chết…tao chết” rồi ngã đùng xuống gốc rạ! Thụ lại lặng lẽ mò đi, một mũi phục kích của Thụ bị lộ. Hai bên đang đấu kiếm chan chát, vừa lúc Thụ đi đến. Nhìn qua ánh trăng lờ mờ, Thụ phân biêt được thằng nào là thằng cướp. Thụ lặng lẽ đứng sau lưng tên cướp, phang một nhát kiếm vào lưng: “mày chết” thằng cướp buông kiếm lăn xuống rạ…
Trận này bọn cướp bị dân bẩn mi phục giết hết trên đường đi, không thằng nào vào được rìa bản. Bản vẫn được yên ấm. Tan cuộc hai bên gặp nhau. Bên dân bản thì hò reo thắng trận. Bên cướp thua trần buồn tiu nghỉu. Mở trần lần thứ hai, Thụ làm tướng bên thua lần đầu giành chiến thắng!... Thế là hoà, bọn trẻ đều vui vẻ.
Chơi trò đánh trận giả chán rồi, bọn trẻ lại ôn tập võ nghệ. Thụ gọi từng đôi ra đấu với nhau. Cuối cùng Thụ đấu chấp tất cả hơn chục thằng... Bọn trẻ hí hửng chuyến này Thụ "nằm đất" hết chơi trội! Bọn trẻ vây Thụ tứ chiếng, hò hét ầm ĩ áp đảo tinh thần, rồi xông vào đình đè gô Thụ lại... Thoắt một cái, Thụ cúi rụp xuống, làm cho vài thắng đang hăng máu xông vào liền cộc đầu vào nhau kêu đôm đốp, nẩy đom đóm mắt. Có thắng tưởng vỡ đầu,lăn xuống ôm đầu kêu ối ối, trán nổi cục vêu ra... Thụ đang ở thế cúi rạp lại vùng đứng thẳng, làm cho vài ffứa đang đè trói Thụ lại bị nhấc bổng lên cao, hất ngã xuống đất huỳnh huỵch... Bọn trẻ lại xô vào, Thụ tấn công chớp nhoáng, đánh trước, đánh sau, đánh phải, đánh trái, tay đấm, chân đá, làm cho đứa ngã, đứa chạy toán loạn... Thụ hỏi:
- Chịu thua chưa!?...
Nhiều đứa nhao nhao:
- Chịu thua rồi!... Chịu thua rồi!...
Những tiếng phàn nàn nổi lên:
- Mày đấm tao đau quá Thụ ạ. Mày đá tao tức cả bụng. Mày tát tao rát cả mặt. Mày ngáng chân tao ngã sái cả tay. Chơi với mày thiệt lắm. Mày học bài võ chấp đông người lúc nào đấy? Thầy võ nào dạy mày đấy? Thụ trả lời:
- Thầy võ Phong dạy chứ còn thấy nào!...
Lại có đứa hỏi Thụ:
- Thế sao chúng tao chưa được thầy võ Phong dạy bài võ này!?...
Thụ bảo:
- Vì các thằng học bài võ cũ chưa lão luyện, thầy võ chưa dạy bài mới chứ sao nữa!...
- Ừ, phải! Thụ ạ, mày học chữ, học võ đều biết đước bọn tao!...
Bọn trẻ lại bàn chuyện chiều mai sẽ mở cuộc đua ngựa đầu tiên trong mùa đua năm nay. Ruộng láu đã gặt hết, thả sức cho ngựa phi từ Hang Lẹ lên Cằn Nong dài bốn, năm cây số, ngựa đua sẽ phải vượt qua những đám ruộng thụt, vượt quavài đoạn suối, phóng băng qua những bờ ruộng cao... Trên đường ngựa phi sẽ dựng những hình nộm rơm để những kỵ mã vừa phi, vừa dương cung bắn. Ai vừa phi ngựa về đích trước, vừa bắn trúng nhiều hình nộm là người đó thắng cuộc. Có xếp loại nhất, nhì, tam, tứ.
Nhà Thụ có con ngựa đực màu hồng. Thụ vừa là chủ, vừa là bạn của con ngựa, ăn ý với nhau. Vào cuộc đua, cả chủ lẫn ngựa đều khôgn chịu thua cuộc, thầy con ngựa nào phóng ngang tầm nó là nó dốc sức phóng nước đại lao lên trước ngay. Đã hai năm rồi, từ khi dự cuộc đua, Thụ và ngựa của mình đều giành nhất cuộc đua trong cả tổng với hai chục con ngựa đua.
Mùa đua ngựa năm nay sẽ diễn ra ác liệt hơn. Tay nào cũng ra công chăm sóc ngựa đua của mình. Ngựa được dắt lên những bãi cỏ ngon, được ăn thóc. Gần cuộc đua ngựa còn được ăn trứng gà nữa. Có đứa đã cho ngựa ăn hết một ổ trứng. Có đứa được bố chiều chuộng đã thay ngựa cũ bằng ngựa mới đẹp mã chạy khoẻ. Sáng, chiều trên đường những tay luyện ngựa, thúc ngựa phi, tiếng vó ngựa kêu ròn lốp cóp. Người đi đường phải dạt ra xa. Bọn trẻ con đứng, ngồi ở bờ ruộng cách xa đường, ngắm nhìn các anh lớn tuổi hơn mình phi ngựa. Đứa nào cũng ước mong chóng lớn bằng các anh ấy để được phi ngựa như bay...
Bọn trẻ kháo chuyện thường xảy ra trong các cuộc đua ngựa, luyện ngựa... Nào là có lần ngựa tay Dinh ở Bó Lào nhảy lên bờ suối Phắng Tát không nổi, đất lở, bị lăn xuông suối. Ngựa thì què, người bị ngữa uống nước no...
Lại có lần ngựa phóng lên bờ ruộng cao, kỵ mã Tứ Khòn Lạn bị ngã xuống ruộng lầy, lấm như trâu đằm... Nhưng con ngựa khôn, quý chủ, nó quay trở lại liếm vào đầu Tứ. Tứ vuốt chân ngựa, ý bảo ngựa quỳ xuống. Thế mà nó biết ý chủ, nó quỳ xuống để Tứ leo lên lưng...
Rồi lại chuyện nguy hiểm của Ngạn. Lần Ngạn đang luyện phi ngựa qua trước Phú Lảu. Thật xúi quẩy, gặo ké Lìn Nà Pàn thua bạc, say rượu, thấy Ngạn phi ngựa từ vũng suối Bó Lào vào (Ngạn cho ngựa tắm ở đấy), ké không tránh mà lại dạng chân ra cản, giơ gậy lên đón đánh ngựa đang phi tới!... Ngạn ghìm cương không kịp, lo ngựa giẫm chết ké Lìn... Nhưng ngựa đã lao vút qua cạnh sườn ké Lìn, sát vào gốc tre. Ngạn kịp úp mặt xuống bờm ngựa, không thì mặt Ngạn đã bị gai tre cáo rách nát hoặc bị tre đâm... Gai trẻ cào lưng áio Ngạn rách bươm, cào xuống lưng rách thịt như những vết cáo của cào cỏ cào xuống mặt ruộng. Lưng Ngạn tứa máu chảy ướt khắp thân. Ngạn bị gai tre móc áo, móc vào da thịt làm cho Ngạn tụt khỏi lưng ngựa, ngựa phóng đi không mà thân Ngạn thì treo lơ lửng ở trên bụi tre. Người già phải chặt các cành dỡ gai mới đỡ Ngạn xuống được, bế sấp Ngạn về nhà đắp thuốc hơn tháng những vết xước trên lưng Ngạn mới lành.
Ngạn kể lại chuyện ấy, bọn trẻ cười rũ rượi... Tiếng cười ồn vào nhà ké Tông, đánh thức kể tỉnh giấc, ké ngái ngủ, bựac quá! quát: "Bọn ranh này, khuya rồi, còn làm ầm ĩ hả! Về nhà ngủ mau!", bọn trẻ tản về. Trăng chếch về phía Tây, trời khuya se lạnh...
Tác giả: Hoàng Trung Thu
Đăng nhận xét